Hàng không chật vật cất cánh

(ĐTTCO) - Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hàng không là ngành ăn nên làm ra và công việc của ngành này thuộc hàng hot, sang chảnh. Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi tất cả, ngành hàng không toàn cầu đang phải chật vật tìm cách cất cánh trở lại.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
3 năm lỗ hơn 200 tỷ USD
Trước đại dịch, vào tháng 4-2019 có hơn 300.000 chuyến bay vòng quanh thế giới, tức hơn 10.000 chuyến mỗi ngày. Đến tháng 4-2020, các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19 đã cắt giảm gần 2/3 số chuyến bay. Đến tháng 4-2021, ngành công nghiệp này rơi vào khủng hoảng khi lượng chuyến bay toàn cầu thấp hơn 43% so với 2 năm trước. Một số hãng hàng không đã phá sản, số còn lại thua lỗ hàng chục tỷ USD, bất chấp ứng cứu của chính phủ.
Ước tính Covid-19 khiến ngành hàng không tổn thất hơn 200 tỷ USD trong vòng 3 năm 2020-2022. Cụ thể, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết tổng thiệt hại của ngành hàng không vào khoảng 201 tỷ USD, tương đương 9 năm thu nhập của ngành trước đó. Tổng giám đốc IATA Willie Walsh ước tính thiệt hại trong năm 2021 khoảng 52 tỷ USD, trong khi khoản lỗ năm 2020 khoảng 138 tỷ USD. Theo IATA, các hãng vận tải ở Bắc Mỹ được dự báo có lãi vào năm nay, với gần 10 tỷ USD thu nhập ròng, trong khi các hãng hàng không châu Âu và Trung Đông sẽ lỗ khoảng 9,2 tỷ USD và 4,6 tỷ USD. 
Tuy nhiên, các dự báo trên đều trước khi diễn ra xung đột Nga-Ukraine. Còn hiện nay với cú đánh bồi từ cuộc xung đột này đang đẩy giá năng lượng lên mức cao, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, từ đó tăng chi phí cho các hãng hàng không. Việc áp đặt các lệnh cấm vận hàng không đối với Nga cũng ảnh hưởng mạnh đến hoạt động khai thác đường bay của các hãng, đặc biệt tại châu Âu. 
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings mới đây cho biết, ngành hàng không của lục địa già đang bị ảnh hưởng nặng từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Bởi lẽ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 1/4 tổng chi phí các hãng hàng không. Trong khi đó, các chuyến bay qua Nga và Ukraine phải bay đường vòng, làm đội thêm thời gian và chi phí nhiên liệu.

Sức ép nhân sự
Hiện những nỗ lực phục hồi của các hãng hàng không đang vấp phải trở ngại lớn, đó là thiếu hụt nhân sự. Việc sa thải hàng loạt trước đây và tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao ở các nước Âu Mỹ hiện tại đã khiến nhân sự của các hãng hàng không thiếu hụt nặng. Hãng hàng không giá rẻ EasyJet là một trong những hãng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mới đây, hãng cho biết đã phải hủy khoảng 60 chuyến bay tại Vương quốc Anh vào ngày 5-4. Hãng đã hủy hơn 260 chuyến bay trong 3 ngày trước đó. 
Paul Charles, người đứng đầu bộ phận tư vấn du lịch của The PC Agency, cho biết các hãng hàng không có thể mất ít nhất 2-3 tháng để giải quyết vấn đề khó khăn về tình trạng thiếu nhân viên và nhiễm Covid. Còn theo hãng phân tích hàng không Cirium, British Airways đã hủy 662 chuyến bay trong tuần đầu tháng 4 do thiếu hụt nhân sự và do các chuyến bay đường dài bị đình chỉ bởi các lệnh trừng phạt đối với Nga, cũng như những hạn chế Covid ở châu Á.
Tình trạng thiếu nhân viên cũng đang là vấn đề nan giải trên mặt đất. Tại sân bay Manchester, hành khách đã phải đợi hàng giờ ở các băng chuyền mới lấy được hành lý do thiếu nhân viên mặt đất. Hiệp hội Các nhà khai thác sân bay của Anh cho biết các thành viên của họ đang tìm mọi cách để tuyển dụng thêm nhân viên. Nhưng sự kết hợp của thị trường lao động thắt chặt, sự chậm trễ trong việc kiểm tra an ninh đối với nhân viên mới, cũng như tình trạng nghỉ bệnh do Covid, có thể khiến một số sân bay rơi vào tình trạng căng thẳng.
Thiếu nhân viên, sân bay Dublin đã cảnh báo hành khách có khả năng phải xếp hàng dài trong nhiều tuần. Nhà điều hành sân bay lớn nhất của Đức Fraport cũng cảnh báo hành khách về sự chậm trễ trong lễ Phục sinh. Người phát ngôn cho biết, tập đoàn đang điều hành các cơ sở ở 9 quốc gia và sân bay chính ở Frankfurt, đặt mục tiêu thuê 1.000 công nhân trong năm nay dù đã tuyển dụng khoảng 300 người từ tháng 1-3. Tại Ấn Độ, dữ liệu chính thức cho biết có tới 10% nhân sự hàng không và sân bay đã nghỉ việc từ tháng 4-2020 đến tháng 12-2021, tương đương 19.000 người.

Con đường phục hồi
Đến tháng 4, nhu cầu đi máy bay đã tăng trở lại. Các chuyến bay theo lịch trình toàn cầu trong tháng này chỉ thấp hơn 11% so với cùng tháng năm 2019. Tuy nhiên, các hãng hàng không cần phải có chiến lược đúng đắn để có thể phục hồi nhanh chóng. Hãng tư vấn Honeywell đã đưa ra 5 lưu ý. Thứ nhất, tập trung vào cấu trúc chi phí. Sự phục hồi phụ thuộc nhiều vào khách du lịch giải trí vốn nhạy cảm với giá cả, vì vậy các hãng hàng không sẽ cần phải rất kỷ luật về cơ cấu chi phí của họ. Các hãng vận tải chính nói riêng sẽ phải điều chỉnh chiến lược và quản lý chi phí của họ. 
Thứ hai, các nhà cung cấp dịch vụ di chuyển đường dài sẽ bị thách thức. Ở châu Âu, nơi du lịch vẫn giảm gần 90%, các hãng giá rẻ đã sẵn sàng nắm bắt các chuyến du lịch giải trí khi nhu cầu quay trở lại. Các hãng hàng không phụ thuộc nhiều vào việc vận chuyển du khách quốc tế vào khu vực này sẽ phải thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh của họ. Bởi trong khi các doanh nhân coi trọng thời gian hơn tiền bạc sẽ thích các chuyến bay thẳng, nhưng khách du lịch đa số thích các chuyến bay gián tiếp để tiết kiệm chi phí.
Thứ ba, không tiết kiệm chi phí nhân viên hoặc bảo trì. Mặc dù cần xem trọng kỷ luật chi phí, các hãng hàng không cần xem việc bảo trì máy bay và hỗ trợ lực lượng lao động là ưu tiên hàng đầu, khi các chuyến bay trở lại và các biện pháp thắt lưng buộc bụng được nới lỏng. Các phi công và các tiếp viên đã bị sa thải cần phải được tuyển dụng lại và trong một số trường hợp, phải được đào tạo lại và các hãng hàng không cần cung cấp đầy đủ kho phụ tùng để họ có thể hoạt động hiệu quả.
Thứ tư, vệ sinh và dịch vụ khách hàng là chìa khóa để đưa khách du lịch trở lại. Thứ năm, sẵn sàng thay đổi. Trong ngắn hạn, hãy xem xét bất kỳ điều gì có khả năng hoàn vốn từ 6-12 tháng về mặt tiết kiệm nhiên liệu hoặc bảo dưỡng. Vệ sinh buồng lái rất quan trọng, việc áp dụng các hệ thống đèn cực tím di động rất tiện lợi để xử lý cả buồng lái và cabin. Về lâu dài, trên toàn cầu, tiền cứu trợ của chính phủ sẽ đi kèm với các ràng buộc nhằm thúc đẩy ngành hàng không hướng tới các lựa chọn xanh hơn và bền vững hơn. 
 Covid-19 gây tổn thất hơn 200 tỷ USD, cùng với việc thiếu hụt nhân sự, đang khiến sự phục hồi của ngành hàng không thế giới rất chật vật. 

Các tin khác