Chỉ còn 4 ngày nữa, TPHCM chào đón Xuân Quý Mão 2023. Dọc các tuyến đường dẫn vào một số chợ như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6) hoặc các siêu thị, trung tâm thương mại tại quận Gò Vấp, quận Tân Bình…, không khí đông vui, đông nghẹt khách mua sắm hàng tết.
Mãi lực tăng gấp đôi
Ghi nhanh trong ngày 17-1 (26 tháng Chạp), số lượng người dân đổ về mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại tăng mạnh so với ngày thường. Theo thống kê chưa đầy đủ của hệ thống siêu thị Co.opmart, MM Mega Market, BigC, Go!…, mãi lực vài ngày qua tăng 1,5-2 lần so với ngày bình thường, thậm chí một số siêu thị tăng gần 3 lần so với 2 ngày trước. Nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, giỏ quà tết, quần áo thời trang, mỹ phẩm các loại… đồng loạt giảm giá 5%-50% tùy loại. Mức giá tốt, nhiều ưu đãi đã thực sự khuyến khích người dùng chi tiêu nhiều hơn vào những ngày cuối năm âm lịch.
Chị Nguyễn Thúy Vui (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nói: “Chiếc váy ngày thường có giá 700.000 đồng, nhưng nay Co.opmart giảm còn 450.000 đồng. Chất liệu vải tốt, thấm hút mồ hôi, không lỗi mốt nên dễ mua. Rau củ, trái cây, bánh kẹo các loại cũng đang giảm giá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm”. Theo Saigon Co.op, khoảng 60.000 giỏ quà được tung ra thị trường mỗi ngày với mức chiết khấu lên tới 15% đã thực sự thu hút người mua.
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 17-1, đại diện các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức cho hay, hiện tại đã bước vào cao điểm tết, hàng nhập chợ tăng mạnh do sức mua tăng cao. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần, lượng hàng nhập chợ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Riêng ngày 18-1 (27 tháng Chạp), hàng về chợ tăng khoảng 70% so với ngày bình thường, ở mức 4.000 tấn/ngày đêm.
Với chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng nhập chợ trong những ngày cao điểm 26 và 27 tháng Chạp tăng khoảng 50% so với ngày thường, đạt khoảng 4.800 tấn/đêm. Trong khi đó, tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng về chợ cũng tăng mạnh. Ước tính, lượng rau nhập chợ 1.800-2.000 tấn/ngày đêm, tăng 20% so với ngày bình thường; trái cây khoảng 2.200-4.000 tấn/ngày đêm, tăng gấp đôi so với ngày thường; hoa tươi 250-300 tấn/ngày đêm… Các tiểu thương chia sẻ, một số mặt hàng như hải sản, hoa tươi, trái cây tăng 15%-20% do nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến. Những mặt hàng còn lại được dự báo tăng nhẹ, với mức tăng không đáng kể…
Đặc sản hút khách
Cuối năm âm lịch, nhiều mặt hàng tự làm, giao tận tay khách hàng được tấp nập vận chuyển đi khắp nơi trên địa bàn TPHCM. Chia sẻ những tấm ảnh “nóng hổi” về củ kiệu, cải chua các loại vừa gửi cho khách, bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa (65 tuổi, ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) cho hay: “Trước dịch Covid-19, gia đình tôi làm gần 500 hũ dưa món các loại với giá 80.000-150.000 đồng/hũ, tùy kích cỡ, để giao cho khách. Đến cận Tết Quý Mão này, số đơn hàng tăng gần gấp đôi. Mặc dù tiền lời không đáng là bao do chi phí vận chuyển các loại đều tăng, nhưng tôi thấy vui vì khách quen không quên mình”.
Mùa tết này, đặc sản từ khắp các vùng miền “đổ” về thành phố, như tôm khô Cà Mau, măng lưỡi lợn Tuyên Quang, thịt heo gác bếp Bắc Kạn, hạt điều Bình Phước… Theo anh Phạm Xuân Thành, chủ thương hiệu Con tôm rừng (chuyên tôm khô Cà Mau), năm nay khách chuộng đặt hộp 0,5kg dùng làm quà tặng, với giá 900.000 đồng. Song song đó, các mặt hàng bánh chưng, bánh tét, kiệu, các loại mắm… của nhiều vùng miền cũng rất được ưa chuộng. Anh Nguyễn Phương Nam, chuyên bán các mặt hàng đặc sản tết tại quận 5, cho biết, các mặt hàng như bánh tét nếp nhân lào, lá cẩm, trứng muối bán khá chạy. Phần lớn là bánh nhà làm, với mức giá 90.000-140.000 đồng/bánh. Tuy vậy người bán khuyến nghị khách phải đặt sớm, tránh tình trạng hết hàng.
Người tiêu dùng sắm tết tại BigC Trường Chinh
Rảo một vòng quanh các “phiên chợ quê”, “hàng tết nhà làm” trên những trang mạng xã hội Facebook, Zalo…, ghi nhận sức mua hàng tết tăng “nhiệt”. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng đặc sản nhà làm được người bán gom đơn hôm trước, hôm sau giao ngay, khách không phải chờ lâu. Kênh bán hàng trực tuyến thực sự nở rộ thời gian gần đây, giúp người tiêu dùng đa dạng sự lựa chọn. Chị Ngọc Hoa, quê ở Đắk Lắk, cho hay, không cần phải về tận quê mới được thưởng thức đặc sản, mà chỉ cần một cuộc gọi điện thoại, đặc sản ở khắp Bắc, Trung, Nam đã có mặt ngay tại nhà. “Dưới chung cư nhà tôi, các cửa hàng tạp hóa có đủ món ngon như gà Đông Tảo cúng tết, rượu nếp cái hoa vàng, nem chua, với giá cả phải chăng”, chị Hoa kể.
Năm mới cận kề, nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh so với bình thường. Tuy vậy, các chuyên gia tiêu dùng cũng lưu ý người dân nên mua sắm ở những điểm bán hàng uy tín, để lựa chọn được hàng hóa thực sự chất lượng, đón một mùa tết an vui.
Dồi dào hàng hóa, đủ cung ứng cho TPHCM
Sở Công thương TPHCM thông tin, nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ Tết Quý Mão 2023 khoảng 20.000 tỷ đồng; trong đó có 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Vào tháng cao điểm tết (từ nay đến ngày 30 tháng Chạp), doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Do vậy, doanh nghiệp hoàn toàn đảm bảo lượng hàng dự trữ, đáp ứng kế hoạch thành phố giao. Đồng thời, các hệ thống siêu thị cũng chủ động kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng, như: từ ngày 20 đến 27 tháng Chạp mở cửa từ 7 giờ - 23 giờ; từ ngày 28 đến 29 tháng Chạp mở cửa từ 6 giờ - 24 giờ; ngày 30 tháng Chạp mở cửa từ 6 giờ - 12 giờ.