Ngày 18-10, mưa lớn cộng các hồ thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn điều tiết xả nước khiến mực nước lũ sông Hương vượt báo động 2, sông Bồ xấp xỉ báo động 3 gây ngập lụt. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành di dời khẩn 112 hộ dân từ vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
Nhiều tuyến đường tại Thừa Thiên Huế phải cấm phương tiện lưu thông vì ngập sâu trong mưa lũ |
Đến chiều 18-10, hàng trăm tuyến đường tại TP Huế, các huyện, thị vùng ven. Các tỉnh lộ 4B, 6, 8A và 19… ngập sâu cục bộ, chia cắt nên lực lượng chức năng phải cắt cử lực lượng canh giữ và dựng rào chắn cấm người và phương tiện lưu thông.
Quốc lộ 1 tại Km829+00 - Km829+600 (dài 600m) qua địa bàn phường An Đông, TP Huế, ngập sâu 0,3m, hiện nay cho xe tải, xe gầm cao lưu thông. Tại Km867+00 - Km867+250 (dài 250m) ngập nhưng nước đã rút, cho thông xe. Các vị trí khác nước đã rút hết, phương tiện lưu thông bình thường.
Chiều 18-10, các lực lượng chức năng huy động người và phương tiện khắc phục sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh để sớm thông tuyến. Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lúc 7 giờ 30 phút sáng 18-10, đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đi Quảng Nam xảy ra sạt trượt nghiêm trọng tại Km392+100 với khối lượng đất đá sạt xuống mặt đường hơn 6,3 ngàn mét khối, gây ách tắc giao thông.
Hiện Khu Quản lý đường bộ II đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phân luồng, cảnh báo từ xa điều tiết đảm bảo an toàn giao thông.
Đường dây điện trung thế tại Khu công nghiệp Phong Điền bị đổ cột điện do sạt lở gây sự cố mất điện trên diện rộng. Hiện Điện lực Phong Điền đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức kiểm tra và có phương án khắc phục.
Cuộc sống của người dân các huyện, thị vùng ven TP Huế đảo lộn vì mưa lũ |
Chiều 18-10, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho tất cả học sinh các cấp học tại địa phương này nghỉ học để phòng tránh lũ.
Tại cuộc họp ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều 18-10, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này lưu ý, các địa phương chuẩn bị lương thực thực phẩm, có giải pháp cứu trợ khi có yêu cầu. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương các cấp cần chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm cũng như đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc tham gia giao thông cần phải đảm bảo an toàn tính mạng, tránh trường hợp rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Lực lượng chức năng túc trực không cho người và phương tiện qua các khu vực đập tràn tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị |
Tại các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị mưa lớn kéo dài từ chiều 17-10 gây ra tình trạng chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã. Trong đó, ngầm tràn Ba Lòng, cầu tràn A Ngo - A Bung, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, ngầm tràn thôn Trùm và thôn Loa ngập sâu từ 0,5-1m, nhiều nơi ngập sâu 1,5m.
Ông Trịnh Đình Bắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đakrông cho biết, từ đêm 17 đến sáng 18-10, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến một số ngầm tràn bị ngập nước, giao thông chia cắt. Để đảm bảo an toàn, hiện tại các địa phương đã triển khai lực lượng xung kích gồm: công an, bộ đội biên phòng tổ chức canh gác, đồng thời gắn biển cảnh báo tại các điểm bị ngập.