Mở rộng phạm vi bảo hộ
Riêng trong năm 2019, số lượng các vụ việc về PVTM, vụ việc tranh chấp liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh và cao nhất từ trước tới nay, với gần 20 vụ. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (31 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21), Ấn Độ (21) và EU (14). Về đối tượng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, có tới 9/16 vụ là sản phẩm thép, chiếm 60%.
Sản xuất thép chiếm tỷ lệ cao trong hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: CAO THĂNG
Trong số quốc gia áp dụng PVTM với Việt Nam, thì Mỹ có xu hướng mở rộng phạm vi các biện pháp có tính chất bảo hộ. Sản phẩm đang bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá vẫn bị khởi xướng điều tra lại, đồng thời điều tra thêm chống trợ cấp. Đơn cử, Mỹ đã điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam.
Sơ bộ của vụ việc này cho thấy, sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, đang bị cho là lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó. Chính vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam. Trong số các sản phẩm nhôm đùn xuất xứ từ Việt Nam bị kết luận là lẩn tránh thuế, có một số mã HS thuộc phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo Quyết định 2942/QĐ-BCT của Bộ Công thương.
“Việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính của Việt Nam, cả về lợi nhuận lẫn uy tín khi đang phải chịu sức ép cạnh tranh hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết”, đại diện Cục PVTM, Bộ Công thương, cho biết.
Đáng lưu ý, ngoài các quốc gia nêu trên, những nước đối tác trong FTA chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ việc khởi xướng mới, do nhiều mặt hàng sẽ có mức thuế về 0% khi thực hiện xóa bỏ thuế quan theo các FTA đã ký kết.
Quan trọng chứng minh nguồn nguyên liệu
Trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại trong khu vực và trên thế giới đang diễn biến phức tạp, cùng với đó, năm 2020, dự kiến FTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam có hiệu lực, trong đó EU dành rất nhiều ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các biện pháp PVTM còn tiếp tục gia tăng. Do vậy, doanh nghiệp cần theo dõi sát, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương, Cục PVTM để có phương án ứng phó ngay từ ban đầu.
Ảnh: CAO THĂNG
Ông Lê Triệu Dũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Cục PVTM tiếp tục tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để cảnh báo, nắm bắt thông tin thị trường nước ngoài về các biện pháp bảo hộ, đặc biệt là biện pháp PVTM mà nước ngoài có thể điều tra để áp dụng với hàng hóa của Việt Nam.
Đồng thời, phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện đề án về các biện pháp khẩn cấp, cấp bách nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh PVTM. Việc ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và lẩn tránh bất hợp pháp PVTM là chủ trương lớn để bảo vệ các ngành sản xuất, doanh nghiệp chân chính trong bối cảnh diễn biến thương mại và các nước đang áp dụng rất nhiều biện pháp chống lẩn tránh.
Bộ Công thương nhận định, trong thời gian tới, sẽ có 25 mặt hàng xuất khẩu lọt vào tầm ngắm bị điều tra PVTM, phân thành 4 mức độ cảnh báo từ 1 - 4. Trong đó, có 3 sản phẩm nằm ở mức độ cảnh báo 4, tức là cơ quan điều tra nước ngoài đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam hoặc số lượng hàng xuất khẩu có sự gia tăng đột biến dễ có nguy cơ bị điều tra, gồm: gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng, ống cơ khí bằng thép và hợp kim lạnh, bánh xe thép. Có 9 mặt hàng nằm trong mức độ cảnh báo 3; 12 mặt hàng ở mức độ cảnh báo từ 1 - 2. |