Thử gõ cụm từ mỹ phẩm xách tay Hàn, Nhật; thực phẩm chức năng Mỹ, Đức, Úc...hay sữa em bé xách tay... trên google; trên mạng xã hội facebook... thì sẽ có rất nhiều kết quả hiện ra. Đặc biệt trên mạng xã hội facebook luôn có rất nhiều hội nhóm (kín có, mở có) chuyên bán hàng xách tay từ các quốc gia.
Hàng xách tay nở rộ ở Việt Nam cũng đã một thời gian dài. Với tâm lý mua hàng xách tay là mua được hàng xịn, giá rẻ nên người tiêu dùng rất ưa chuộng, bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng về nguồn gốc và chất lượng.
Thời điểm chưa có dịch Covid -19, khi các chuyến bay thương mại còn nhộn nhịp thì hàng xách tay cũng theo đó cực kỳ sôi động.
Nhưng hơn một năm nay, khi dịch Covid -19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường hàng xách tay cũng không vì thế mà trầm lắng. Người tiêu dùng vẫn có thể mua hầu hết các sản phẩm từ các quốc gia như trước đây. Vậy những sản phẩm đó đi theo đường nào.
Khi hỏi T.N một chủ cửa hàng mỹ phẩm, thực phẩm xách tay trên facebook về đường đi của các sản phẩm xách tay khi dịch đến. Chị cho biết có người nhà bên Úc trực tiếp đi lấy hàng, có bill rõ ràng sau đó chuyển hàng về Việt Nam theo đường air cargo (hàng hoá vận chuyển bằng máy bay). Chị N bao check bill. Nhưng có phải người tiêu dùng nào cũng biết cách kiểm tra phiếu mua hàng tại nước ngoài.
Một shop khác chuyên bán sữa Mỹ trên facebook cũng cho biết hàng được mua và gửi bằng đường air cargo về Việt Nam, nên 100% nói không với hàng fake (hàng giả).
Thực tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các chuyến bay thương mại đến các nước phải dừng/hạn chế không làm khó dân buôn hàng xách tay. Ảnh minh họa
Air Cargo dường như trở thành "cứu cánh" cho rất nhiều shop bán hàng xách tay. Song thực tế việc các shop có người nhà tại nước ngoài hay đặt hàng theo phương thức nào đó ở nước ngoài rồi chuyển hàng về Việt Nam có thực hay không thì chẳng ai biết được.
Anh Đ.H, một tiếp viên hàng không cho biết việc chuyển hàng bằng air cargo không khó, nhưng phí chuyển lại không rẻ. Đơn cử anh H chuyển 1 kg hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam đã có giá 220 nghìn đồng (khoảng 10 USD). Vậy những mặt hàng như sữa đi theo đường air cargo liệu giá có thể rẻ như trên mạng hay không.
Anh cũng cho biết trước nay nhiều người bán hàng xách tay hay gắn mác cho tiếp viên mang hàng về bán. Thực tế các hãng hàng không đều đang siết rất chặt nên nếu có mang về cũng không quá nhiều. Ngay cả khi các chuyến bay thương mại đều đặn cũng khó mà cung cấp hàng hoá dồi dào cho hàng ngàn, hàng triệu shop bán hàng xách tay tại Việt Nam như hiện nay.
Chia sẻ thêm với ĐTTC, anh H cho hay nhiều tiếp viên trong bối cảnh dịch này cũng quay qua bán hàng xách tay. Nguồn hàng chủ yếu nhập từ các mối sỉ. Còn mối sỉ này nhập từ đâu thì chỉ có họ mới biết.
Theo chia sẻ của chị Thảo, một đầu mối chuyên bán hàng xách tay ở quận Gò Vấp, thực tế dịch Covid-19 có tác động đến việc mua hàng nhưng không căng thẳng. Chị cho biết nhiều người nghĩ hàng xách tay là phải do tiếp viên hoặc có người đi nước ngoài mang về, nhưng không phải vậy.
"Tiếp viên chỉ có lợi thế xách những mặt hàng nhẹ như mỹ phẩm, gồm son phấn, nước hoa, và né thuế. Đầu mối thường nhờ tiếp viên hàng không mua ngay và nhanh những mặt hàng đang sale sốc tại store, mà trùng thời điểm họ có mặt, hoặc có khách cần đặt gấp, còn những loại hàng khác thì không phụ thuộc nguồn tiếp viên", chị Thảo cho biết.
Theo đầu mối này, hầu hết họ thường gửi air cargo. Dịch bệnh các chuyến bay này vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, gặp thời điểm nơi chuyển hàng có dịch, hoặc về Việt Nam mà gặp thời điểm dịch, như lúc này, thì hàng hóa được giải phóng chậm hơn, do các thủ tục lưu kho, khử khuẩn...
Riêng các loại hàng nặng, cồng kềnh như máy móc, đồ điện gia dụng, nếu khách đồng ý chờ thì các đầu mối sẽ gửi tàu. Giá cước gửi tàu rẻ nhưng bất lợi là thời gian chờ hàng kéo dài nhiều tuần.
Chị cho biết lúc này chị vẫn nhận hàng bình thường, và vẫn nhận đặt hàng của khách quen.
Cuối năm ngoái, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo về quyền lợi ngưởi tiêu dùng chính thức có hiệu lực.
Điểm đáng chú ý tại nghị định này là xử phạt nặng hơn so với các quy định trước đây, nhất là với hoạt động kinh doanh hàng xách tay. Thế nhưng cho đến nay hoạt động kinh doanh hàng xách tay vẫn rất rầm rộ, và dường như chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi nghị định này.