Hành lang KT Đông-Tây: Chưa phát huy lợi thế

Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) với chiều dài 1.450km đi qua 4 nước (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam) là 1 trong 5 hành lang kinh tế quan trọng được phát triển theo sáng kiến của các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các quốc gia khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhưng sau hơn 6 năm thông toàn tuyến, tiềm năng và lợi thế của các địa phương miền Trung (điểm cuối của EWEC) vẫn chưa được phát huy do còn nhiều rào cản.

Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) với chiều dài 1.450km đi qua 4 nước (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam) là 1 trong 5 hành lang kinh tế quan trọng được phát triển theo sáng kiến của các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các quốc gia khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhưng sau hơn 6 năm thông toàn tuyến, tiềm năng và lợi thế của các địa phương miền Trung (điểm cuối của EWEC) vẫn chưa được phát huy do còn nhiều rào cản.

Đã có hạ tầng “cứng”

Năm 2006, khi cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mê Công nối tỉnh Mucdahan (Thái lan) với Savanakhet (Lào) khánh thành, Hành lang kinh tế Đông Tây đã chính thức thông tuyến, nối liền 7 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, qua Savannakhet của Lào và 3 tỉnh, thành phố miền Trung của Việt Nam (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng).

Đến nay, nhiều hạng mục hạ tầng giao thông chủ chốt trên hành lang này đã được hoàn thiện như: nâng cấp cảng Tiên Sa, Đà Nẵng; xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; nâng cấp Quốc lộ 9 và nhiều công trình khác.

Để tận dụng cơ hội phát triển từ EWEC, các địa phương nằm trên tuyến hành lang phía Việt Nam đã chủ động tập trung phát triển và hoàn thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng liên quan.

Tính đến hết tháng 10-2011, khu vực miền Trung thu hút khoảng 750 dự án, với tổng vốn đăng ký 23,7 tỷ USD (chiếm 11,6%) so với tổng vốn đăng ký cả nước. Do đó, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào miền Trung, đặc biệt là các địa phương có tuyến EWEC đi qua là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Ông HOÀNG TRUNG HẢI,
Phó Thủ tướng Chính phủ

Tại Đà Nẵng, sân bay quốc tế Đà Nẵng được nâng cấp với tổng vốn đầu tư 85 triệu USD, dự kiến ga hàng không mới đi vào hoạt động cuối năm nay. Đà Nẵng cũng đã hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển nối với Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, góp phần phát triển du lịch đường bộ tham quan các thắng cảnh và di sản văn hóa thế giới tại miền Trung.

Cảng Tiên Sa đã được kết nối với Quốc lộ 1A và 14B. Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã đầu tư xây dựng nhiều công trình quan trọng như cảng Chân Mây, tuyến đường du lịch từ Lăng Cô - Chân Mây đến Thuận An, các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu thương mại tự do Lao Bảo, các khu công nghiệp, nâng cấp sân bay Phú Bài thành sân bay quốc tế.

Ngoài ra, khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã được Chính phủ phê duyệt thành lập, cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị) đang được quy hoạch xây dựng.

 Cần khắc phục những hạn chế “mềm”

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai (Nhật Bản) lần thứ 5 vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Khu vực miền Trung nằm trên tuyến EWEC có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, với vị trí là cửa ngõ ra biển Đông của các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Công, cơ sở hạ tầng đang trên đà phát triển với hệ thống sân bay, cảng biển phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, các địa phương dọc khu vực EWEC và vùng phụ cận còn chậm phát triển về kinh tế - xã hội, đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Lễ thông toàn tuyến EWEC tháng 12-2006, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy lợi thế sẵn có. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Lễ thông toàn tuyến EWEC tháng 12-2006, nhưng đến nay
vẫn chưa phát huy lợi thế sẵn có. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Về vấn đề này, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc. Đó là thiếu thông tin cập nhật về tiềm năng phát triển kinh tế của các địa phương, doanh nghiệp có tiềm lực trên tuyến đường, sự liên kết giữa các doanh nghiệp ở các nước trên hành lang mới chỉ được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông phía Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, đoạn đường từ Đà Nẵng đi Huế vẫn phải qua 2 đèo (Phú Gia và Phước Tượng) trên Quốc lộ 1A, đây là những cung đường thường xảy ra tai nạn; từ Huế đi Quảng trị còn một số đoạn đường bị hư hỏng; đoạn từ Quảng trị đến Lao Bảo nhiều chỗ đường hẹp và vòng vèo nguy hiểm.

Theo ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, trở ngại lớn nhất là giao thông qua lại cửa khẩu. Từ tháng 6-2009, hiệp định về xe tay lái nghịch được vào lãnh thổ của nhau đã có hiệu lực, phía Việt Nam đã có Nghị định 80 của Chính phủ về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Đây là nguyên nhân khiến xe cộ, hàng hóa từ Thái Lan, Lào vào nước ta còn ít. Cửa khẩu phía Việt Nam làm việc từ 7 giờ sáng và nghỉ lúc 19 giờ 30, trong khi phía Lào, Thái Lan làm việc từ 7 giờ sáng nhưng kết thúc vào 22 giờ 30.

Sự “khác biệt” này gây cản trở lớn cho giao thương hàng hóa và du lịch. Barie tại cửa khẩu Lao Bảo bắt du khách phải đi bộ quá xa mới đến nơi làm thủ tục... cũng đang hạn chế nỗ lực thu hút người và hàng hóa qua con đường xuyên Á.

Những kiến nghị

Lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã kiến nghị sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ. Theo đó giao cho Sở GT-VT các địa phương có cửa khẩu quốc tế quyền cấp giấy phép lưu thông xe tay lái nghịch, cấp quá cảnh cho phương tiện có biển đăng ký trên toàn quốc qua cửa khẩu Lao Bảo.

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng điều chỉnh giờ làm việc tại cửa khẩu Lao Bảo thống nhất với giờ làm việc của các cửa khẩu Lào, Thái Lan. Ngoài ra triển khai sớm xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất và đầu tư tiếp tuyến cao tốc từ Đà Nẵng đến Đông Hà (Quảng Trị), tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa từ Thái Lan qua cửa khẩu Mukdahan - Densavan  và cửa khẩu Savanakhet - Lao Bảo, theo Quốc lộ 9 nối tiếp với Quốc lộ 1A về cảng Đà Nẵng.

Chính phủ hỗ trợ vay vốn ưu đãi ODA của Nhật Bản để xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phú Gia, Phước Tượng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và hành khách trên tuyến hành lang đảm bảo an toàn và nhanh chóng.

Các tin khác