Hành lang pháp lý cho cá nhân quyên góp từ thiện

(ĐTTCO) -Ngày 27-10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 
Hành lang pháp lý cho cá nhân quyên góp từ thiện
Nghị định 93 có hiệu lực thi hành từ ngày 11-12-2021, thay cho cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Với 3 chương chia thành 27 điều, Nghị định 93 quy định cụ thể và rõ ràng về phạm vi các hoạt động quyên góp từ thiện, đặc biệt “khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện”. 
Như vậy, Nghị định 93 tạo hành lang pháp lý cho người dân được phát huy tối đa lòng nhân ái và sự hào hiệp. 
Nghị định 93 ra đời rất cần thiết và rất đúng lúc. Bởi lẽ, gần đây liên tục xảy ra những lùm xùm liên quan đến việc quyên góp từ thiện của nhiều nhân vật trong làng giải trí. Không ít sự hoài nghi từ phía đám đông đối với những khuất tất trong số tiền từ vài tỷ đến hơn trăm tỷ đồng những người này đã kêu gọi từ người hâm mộ. 
Với Nghị định 93 mọi thị phi về cá nhân tham gia quyên góp từ thiện sẽ chấm dứt. Hiện các nghệ sĩ khi làm từ thiện sử dụng tài khoản cá nhân có sẵn để kêu gọi quyên góp. 
Lẽ ra, khi quyết định tập hợp sự chung tay của cộng đồng, họ phải mở tài khoản khác dành riêng cho hoạt động từ thiện. Không thể nhập nhèm tài khoản cá nhân với những khoản trả tiền mua nước hoa hay nhận tiền dự sự kiện, để chung chạ với nguồn tài chính của mạnh thường quân khắp nơi. 
Nghị định 93 quy định: “Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết, có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện”.
Tài khoản từ thiện của cá nhân kêu gọi, phải công khai từng hạng mục thu chi mỗi ngày. Nhà hảo tâm nào không muốn nêu tên có thể che danh tính khi công bố, nhưng vẫn hiển thị số tiền cụ thể. Lúc cần thiết sao kê ngân hàng để kết toán chương trình từ thiện, phải có kiểm toán độc lập, có thể do công ty dịch vụ hoặc đơn vị thứ ba đứng ra thực hiện. 
Để tạo thuận lợi cho hoạt động từ thiện cá nhân, Nghị định 93 yêu cầu khi được thông báo về chương trình cứu trợ, chậm nhất trong 3 ngày UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
Nghị quyết 93 cổ vũ cá nhân quyên góp từ thiện giúp đỡ nông dân ở vùng sâu vùng xa “hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp”.
Bên cạnh yêu cầu cá nhân minh bạch nguồn tài chính quyên góp, Nghị định 93 yêu cầu các tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. 
Trong đó phải thực hiện hình thức bắt buộc công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Trường hợp chưa có trang thông tin điện tử phải thực hiện niêm yết tại trụ sở làm việc.

Các tin khác