Theo Từ điển Tiếng Việt, nghiện nghĩa là ham thích đến mức thành thói quen khó bỏ. Không ít NĐT đã sử dụng margin đến mức trở thành “con nghiện”.
Nghiện margin
Hồi cuối năm 2014, lý giải về việc thị phần của một CTCK bất ngờ tăng vọt, các nhân viên môi giới kỳ cựu đã đưa ra một giả thiết về khả năng cấp margin vượt khung, thay vì 50/50 đã tăng thành 4/6, thậm chí 3/7. Theo chiều mua vào, có thể người mua lúc này, kẻ giải ngân khi khác nên dù tỷ lệ cấp margin cao, nhưng chưa phản ánh trực tiếp vào GTGD tại một thời điểm.
Vấn đề chỉ có thể sáng tỏ nếu các động thái này được thực hiện cùng lúc, mà ở đây là cùng bán. Việc một số nhóm CP giảm mạnh trong quý IV-2014 sẽ buộc các CTCK tiến hành giải chấp và tất nhiên CTCK nào cho margin càng nhiều, tỷ lệ càng cao giải chấp càng lớn. Thậm chí có người còn nói nửa đùa nửa thật rằng, anh đã nghe được nhân viên CTCK nói tốc độ tăng trưởng thị phần trong quý IV-2014 có lẽ là duy nhất và khó lòng lặp lại lần nữa.
Bởi lẽ, không phải lúc nào cũng có một đợt giải chấp lớn và hoạt động cấp margin vượt khung cũng sẽ bị siết lại. Tuy nhiên, cũng có lý lẽ khác đưa ra rằng nếu quả thực có người chơi margin với các tỷ lệ 3/7, thậm chí 2/8, chỉ cần 2 phiên sàn là có thể đi gần hết vốn.
Nên khi khách hàng không còn tiền, dù CTCK có cho vay margin nhiều mấy chăng nữa cũng chẳng thể làm gì được. Tuy nhiên, luận điểm này nhanh chóng bị bác bỏ bởi những NĐT đã có nhiều kinh nghiệm xương máu trên TTCK, đó là đã dính vào margin gần như rất khó bỏ. Chừng nào CTCK còn cấp margin chừng đó vẫn còn người chơi.
Con đường trở thành con nghiện margin khá dễ dàng. Chẳng hạn, một số CTCK đã đánh đồng nghiệp vụ ứng trước tiền bán với margin, thậm chí còn khuyến mại thêm 2 ngày không tính phí. Tất nhiên NĐT tiết kiệm được một khoản kha khá cũng cảm thấy hài lòng.
Đến khi có cơ hội, mua hết vốn tự có vẫn chưa thấy đã, nhất là cảm thấy CP này chắc ăn, có khả năng tăng mạnh nên “đôn” thêm margin, dần dần thành quen. TTCK ngày càng khốc liệt cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc NĐT sử dụng margin nhiều hơn. Từ chỗ mua CP chờ lên 5-10 phiên trần để bán như 8-9 năm trước, NĐT dần hạ xuống còn khoảng 2-3 phiên, nay thậm chí chỉ cần 1 phiên trần là chốt, như vậy lãi cũng chỉ 7-10%, chưa tương xứng với việc đem tiền đi đầu tư chứng khoán.
Vậy nên, thêm tiền margin, chẳng hạn như 1:1, tỷ suất sinh lời tăng gấp đôi, đương nhiên khi giảm cũng như vậy, nhưng việc đó tính sau, chẳng ai đi đầu tư mà nghĩ ngay đến thua lỗ cả. Sử dụng nhiều thành quen, nhất là khi thắng lớn trong những lần đầu tiên sử dụng margin, việc sau đó tài khoản luôn ở trạng thái “full margin” (vay hết tỷ lệ được phép) là bình thường. Nếu may mắn, dùng full margin mà có lãi, tất nhiên sẽ lãi rất to.
Môi trường rèn bản lĩnh?
Trong trường hợp lỗ, nhưng ở một mức cho phép cũng là dịp để NĐT rèn được bản lĩnh chịu đựng. Chẳng hạn, khi thị trường bị bán tháo giảm sàn, tài khoản giữ 100% CP và mua bằng tiền mặt sẽ lỗ 7-10%, tuy nhiên nếu sử dụng margin tỷ lệ 1:1, mức lỗ sẽ tăng lên gấp đôi 14-20%. Ai chịu nổi những phiên rớt như vậy, khi thị trường hồi lại cũng có tỷ lệ lãi nhiều hơn tỷ lệ chung.
Tuy nhiên, nhìn danh mục tài sản một ngày giảm 15-20%, thậm chí có thể tăng nếu tỷ lệ vay cao hơn 1:1, NĐT thường mất tỉnh táo và lúc đó họ sẽ lại chọn cách bán ra như một sự giải tỏa dù có thua lỗ. Cũng phải nói thêm rằng dù NĐT có gan để chịu những phiên giảm mạnh, danh mục tài sản cũng phải đáp ứng được quy định an toàn của CTCK mới có thể giữ lại. Chẳng hạn, có CTCK quy định tổng tài sản giảm 10% sẽ tiến hành cảnh báo giải chấp, đến 15-20% sẽ thực thi, NĐT có gan giữ nhưng CTCK không cho cũng thua.
Ảnh: LONG THANH |
Cũng như con nghiện của nhiều thứ khác, nghiện margin cũng thường có những lý do để biện hộ, chẳng hạn như dùng margin để tăng hiệu quả đầu tư, dùng margin cho biết… Quả thực, nếu phân bổ giữa vốn tự có và vốn margin một cách hợp lý sẽ có không ít lợi thế trong đầu tư, khi vừa đa dạng hóa được danh mục, giảm thiểu rủi ro, đồng thời có nhiều cơ hội sinh lời hơn.
Một trong những cách phân bổ phổ biến nhất là dùng margin để gia tăng sức mua và mua cho cả 2 loại CP ngắn hạn và dài hạn. Với CP ngắn hạn dùng để lướt sóng, giữ cảm giác với thị trường và thu lợi nhuận ngắn, còn CP dài hạn hướng đến những mục tiêu dài hơi hơn. Nói là vậy, nhưng việc thực thi lại không dễ, bởi đã dùng margin là muốn lãi lớn và đi kèm theo đó là lãi trong ngắn hạn. Vì thế, việc dùng margin giữ dài CP là rất khó, cho dù CP đó nhiều khả năng có thể sinh lời 20-30%, thậm chí hơn nữa trong vòng 1 năm.
Trong thực tế, chỉ cần giữ CP khoảng 1 tháng mà giá chưa tăng là đã có thể đứng ngồi không yên. Lúc này, NĐT lại tính đến chuyện đảo danh mục. Theo đó, từ chỗ phân bổ danh mục có thể chuyển thành việc dồn tất cả trong một, nghĩa là mua CP hay một nhóm CP nào đó có đặc tính giống nhau để lãi lớn trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng lãi lớn, cũng kèm theo khả năng lỗ đậm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn nghiện margin có thể nói là tham, mà thường đã tham sẽ thiếu kiểm soát. Có những người dùng margin, mua CP đã có lãi lớn, nhưng sau đó thay vì chốt lãi, lại dùng tiền lời để tiếp tục mua thêm và lỗ ngược trở lại gần hết vốn. Sử dụng margin vốn dĩ đòi hỏi sự tỉnh táo, kỷ luật, nhưng thực tế chỉ có số ít người có thể tuân thủ và hưởng lợi từ nó.