Trao cho nhau hạt gạo giữa giai đoạn khó khăn là nghĩa cử cao đẹp. Thế nhưng, làm sao để hạt gạo nghĩa tình đừng mang dư vị đắng cay, lại là câu chuyện khác.
Nhận gạo tại máy ATM. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Từ máy ATM gạo đầu tiên tại quận Tân Phú - TPHCM, những dòng gạo trắng như ân tình tuôn trào dạt dào, đã đánh thức bao nhiêu trái tim nhân ái. Lòng chân thành đã tương tác và nảy nở, hàng loạt máy ATM gạo nối nhau ra đời khắp cả nước. Thậm chí, những máy ATM gạo được lắp ráp tùy hứng và vụng về cũng làm xao xuyến và tin yêu cộng đồng.
Không ít nghệ sĩ nổi tiếng đã đứng ra lắp ráp vài máy ATM gạo, có đơn vị giáo dục như Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ở Phú Yên cũng thiết kế máy ATM gạo chia sẻ khó khăn cho những đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong khi chờ đợi gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng được giải ngân đến từng địa chỉ túng thiếu, thì những máy ATM gạo đã làm chỗ dựa cho người nghèo ở nhiều nơi. Từ thành thị đến nông thôn, đề tài máy ATM gạo được truyền tụng như một cổ tích không có bà tiên, ông bụt mà vẫn xúc động sâu xa.
Tuy nhiên, xung quanh mỗi máy ATM gạo hoạt động, vẫn có không ít biểu hiện đáng suy ngẫm. Trước hết đó là cảnh chen lấn vừa phản cảm vừa có nguy cơ lây nhiễm virus corona. Những người chủ trương làm từ thiện qua máy ATM gạo đã không lường trước được tình huống dở khóc dở mếu ấy. Vì không có chuẩn bị trước về hướng dẫn xếp hàng lẫn đội ngũ trật tự, nên người nọ xô đẩy người kia để được ưu tiên lấy gạo. Song nhược điểm ấy không khó khắc phục.
Cái nan giải hơn chính là thái độ phân biệt sang hèn dành cho người nhận gạo. Sự bẽ bàng xảy ra với một cô gái ở máy ATM gạo tại TPHCM, thực sự khiến những người có lương tri không giấu được chua chát.
HP, một cô gái gầy còm mặc chiếc áo thun đen trông giống như cậu trai mới lớn, đã đến xếp hàng ở một máy ATM gạo để được đón nhận món quà từ thiện “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi đã đến lượt mình đứng trước máy ATM gạo, thì HP nghe thông báo “cậu áo đen không phải là đối tượng được nhận gạo”. Vì sao như vậy, vì những người đang điều hành máy ATM gạo nhìn bộ dạng của HP không giống… người nghèo.
Hơi bất ngờ và hơi chưng hửng, HP lặng lẽ lui ra, trả lại túi ni lông vào vị trí cũ. Nỗi xót xa lẽ ra chỉ dừng ở đó đã đủ để những ai chứng kiến áy náy và bất an. Nào ngờ, HP bị quay clip và tung lên mạng. Kết quả, những lời bình phẩm nanh độc đã ném về phía cô gái tội nghiệp như một kẻ trộm bị bắt quả tang. Thực tế, HP có đáng bị đối xử như vậy không?
Từ băn khoăn và day dứt, nhiều người đã lần ra manh mối của HP. HP quê ở An Giang. Gia đình của HP có 4 con gái, chỉ HP lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống và dành dụm gửi về nhà giúp mẹ nuôi em. Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, công ty đóng cửa, HP thất nghiệp. HP theo các bạn trong nhà trọ đi làm phụ hồ, nhưng sức khỏe của cô gái yếu ớt không kham nổi. Hết tiền, hết gạo, HP lay lắt ở phòng trọ. Khi nghe rủ đi lấy gạo từ thiện, HP đã ngồi sau xe của bạn để đến máy ATM gạo. Và sự việc ngoài tiên liệu của HP…
Kinh khủng hơn, cái clip quay lại HP như một tên gian lận đã lọt vào mắt người mẹ bần hàn ở quê. Người mẹ gọi điện cho con gái để hỏi sự tình, và cả hai chỉ biết khóc nghẹn ngào cho thân phận hẩm hiu. HP nghẹn ngào: “Em đâu có nói cho ai biết chuyện em đi xin gạo mà hổng được cho. Không ngờ bị quay clip. Đoạn phim đó tung lên mạng, rồi sau này hết dịch em đi làm không biết có ai nhận em không!”.
Câu danh ngôn “lòng tốt là thứ duy nhất trên đời mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy” chưa bao giờ sai. Những người đứng ra làm máy ATM gạo rất đáng tuyên dương và đáng khâm phục. Bởi lẽ, có thể họ không giàu về vật chất nhưng đã giàu về tình cảm. Có thể họ không phải là “lá lành” nhưng họ đã là “lá rách ít” biết cách đùm “lá rách nhiều”. Sự phát tâm của họ dù xuất phát từ mục đích gì, cũng phô diễn đầy đủ sự hào hiệp và sự nhân văn. Vậy thì, tại sao lòng tốt lại bị giới hạn bởi những hoài nghi và những soi xét không cần thiết? Lòng tốt cần sự lễ độ hay sự kiêu ngạo khi ban phát?
Những người sở hữu máy ATM gạo có khi nào nghĩ đến kết cục lỡ làng ấy không? Cái tinh thần tương trợ lẫn nhau trong mùa dịch được đúc kết thành khẩu hiệu rất tử tế: “Nếu khó khăn, bạn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Thế nhưng, cái “ổn” kia không phải do người nhận gạo tự quyết định hay sao? Tại sao những người đã phát tâm lại bó hẹp đối tượng được đón nhận từ tâm? Nếu không quá túng quẫn, chẳng ai đánh cược lòng tự trọng của mình để lấy 2 kg gạo với giá 30.000 đồng đâu. Hãy tin vào con người, hãy tin vào nhân phẩm, nếu người làm từ thiện thật sự muốn san sẻ với đồng bào.
Máy ATM gạo nếu có tên gọi khác thì đó là máy nghĩa tình. Vậy mà, cách thức vận hành của máy ATM gạo có đôi chỗ lại mang sắc thái hơi nghiệt ngã. Có máy ATM gạo khi người nhận đứng trước máy phải hô to họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú… như đang khai báo lý lịch với cơ quan công quyền. Cứu đói đấy ư? Cưu mang đấy ư? Hay đang chia ngôi chia thứ sang hèn trong cuộc đời?
Miếng ăn là miếng tồi tàn. Ôi, hạt gạo thơm tho! Ôi, hạt gạo ân cần! Xin hãy ngừng buông ra những phán xét lạnh lùng xung quanh các máy ATM gạo bằng những câu như “giàu mà đi dành phần của người nghèo”, “đi xe tay ga mà nhận gạo cứu đói”, hoặc “ăn mặc đàng hoàng mà giả bộ thiếu ăn”… Khủng khiếp hơn là những suy diễn kiểu như “xếp hàng lấy gạo từ thiện để mang đi bán lại”.
Không ai muốn mình trở nên bé mọn và rách rưới trong mắt kẻ khác, chỉ vì 2 kg gạo đâu. Nếu không xác định được chân lý ấy, thì cứ lặng lẽ đóng máy ATM gạo, để chút trắc ẩn lương thiện còn tồn tại với nhân gian.
Máy ATM gạo không phải do người nhận gạo tự bấm nút, mà được điều khiển bởi người phát gạo. Trông mặt mà bắt hình dong, trông mặt mà nhấn nút cho gạo chảy xuống. Ngược lại, cái loa oang oang “bạn không phải đối tượng được nhận”. Xin thưa, lòng tốt đôi khi không cần khả năng thám tử đồng hành.
Chiếc xe tay ga, bộ đồ sạch sẽ hoặc khuôn mặt sáng sủa hoàn toàn không phải chỉ dấu để minh định giàu nghèo. Bản chất của từ thiện là cho và nhận. Người được cho rộng lượng thì người được nhận mới vui vẻ. Người được cho còn làm thêm “tiết mục” suy đoán người được nhận có phải nghèo hay không, thì dư vị hạt gạo bỗng dưng đắng đót.
Vẫn phải nhắc lại, những người làm máy ATM gạo đều xuất phát từ lòng tốt. Tuy nhiên, lòng tốt có thể nhiều hay ít, nhưng lòng tốt không thể đính kèm nghi kỵ và dèm pha. Hầu hết những máy ATM gạo đều có những mạnh thường quân đóng góp, chứ không hoàn toàn từ tiền túi của một vài người đảm đương. Thử hỏi, những người chở cả tấn gạo đến ủng hộ ATM gạo, có ai đặt ra điều kiện về đối tượng được nhận hay không, mà những người điều khiển ATM gạo lại truy vấn “có phải người nghèo hay không” với những thân phận xếp hàng chờ đợi sự nhường cơm sẻ áo?
Không ai vì 2kg gạo mà giàu lên. Người nghèo vốn dễ tổn thương, đừng để những hạt gạo trắng trở nên lấm lem vì tình thương giữa người với người bị cân đong đo đếm một cách chi ly.