Không chỉ tắt đèn tòa nhà, chính quyền thủ đô sẽ tiến tới tắt đèn bàn và tắt máy tính của nhân viên để ngăn họ không ở lại muộn. Hojin Choi, người phát ngôn chính quyền thành phố, cho biết khi thực hiện chính sách ngừng hoạt động vào các buổi tối thứ sáu, chính quyền Seoul hy vọng sẽ làm gương cho các công ty khác để thúc đẩy sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Hầu hết nhân viên đều hoan nghênh sự thay đổi này, tuy nhiên một số người vẫn lo ngại sẽ không thể hoàn thành công việc đúng giờ.
Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích tắt đèn vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ sáu, nhưng sau đó nhiều nơi xin miễn thực hiện với đủ lý do. Do đó, không giống như lần trước, chính phủ khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ trường hợp ngoại lệ hoặc yêu cầu làm thêm giờ sau thời gian tắt điện.
GS. Hong, Trường Đại học Yonsei, hoan nghênh chiến dịch và nhận định nó sẽ có hiệu quả trong việc giúp giảm giờ làm việc: "Đây thực sự là một bước đột phá. Gần đây, vấn đề làm việc quá sức đã trở thành một chủ đề nóng. Tổng thống Moon Jae-in đã hứa sẽ cắt giảm giờ làm việc và thậm chí cho người lao động thêm một kỳ nghỉ lễ vào năm ngoái”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc đóng cửa vào tối thứ sáu của Seoul dường như là động thái mang tính biểu tượng, trừ khi các công ty ủng hộ quyền của nhân viên bằng cách áp dụng giờ làm việc ngắn và chứng tỏ làm việc ít hơn vẫn có thể hiệu quả. Nếu không, sau khi tắt đèn, mọi người sẽ vẫn phải mang việc về nhà làm.
Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích doanh nghiệp tắt đèn sớm vào ngày thứ Sáu.
Làm việc liên tục trong nhiều giờ là lối sống phổ biến ở Hàn Quốc, nơi nhân viên thường bắt đầu làm từ sáng sớm và kết thúc vào ban đêm. Các nhân viên chính phủ nổi tiếng có lịch làm việc khắc khổ. Trong khi đó, theo GS. Ijin Hong, nghiên cứu phúc lợi nhà nước tại Đại học Yonsei, Seoul: “Các nhà tuyển dụng Hàn Quốc thường miễn cưỡng khi cho nhân viên nghỉ nhiều ngay cả khi họ có quyền được nghỉ”.
Thực tế, Hàn Quốc gần đây đã giảm giờ làm việc tối đa cho hầu hết các ngành công nghiệp từ 68 giờ/tuần xuống 52 giờ/tuần trong nỗ lực cải thiện sức khỏe và năng suất lao động. Trong khi EU giới hạn công nhân trung bình làm 48 giờ/tuần, bao gồm cả giờ làm thêm.
Việc cắt giảm và sáng kiến về thời gian làm việc được thúc đẩy sau khi báo cáo mức trung bình giờ làm việc của Hàn Quốc trong năm 2016 cao thứ 3 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD). Đồng thời, Hàn Quốc sẽ tăng mức lương tối thiểu lên 16% vào năm 2018 từ 6,8USD/giờ lên 7,8USD/giờ. Năm 2016, người Hàn Quốc làm việc trung bình 2.069 giờ, so với mức trung bình 1.763 của các nước OECD.
Tại Hoa Kỳ, từ năm 1950 số giờ làm việc của người dân nước này đã giảm đều mỗi năm không cần chính quyền can thiệp. Thí dụ, năm 1953, người dân Hoa Kỳ làm việc trung bình 1.986 giờ (toàn bộ và bán thời gian). Đến năm 2016 mức trung bình làm việc đã giảm xuống còn 1.783 giờ. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp khác nhau cũng ảnh hưởng tới chính sách giảm giờ làm. Các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng thuê nhân viên mới sẽ buộc nhân viên phải làm thêm giờ, khó cắt giảm giờ làm theo chính sách chung.
Như vậy giải pháp của chính phủ Hàn Quốc - hay bất kỳ chính phủ nào - bao giờ cũng cần thời gian điều chỉnh và thích nghi. Chính phủ nên nghiêm khắc với các nhà tuyển dụng ép buộc người lao động làm việc thêm, hơn là trói buộc tất cả doanh nghiệp vào một quy định nặng nề nếu muốn tạo ra sự cân bằng về vật chất cũng như tinh thần cho người lao động.