“Vạ lây” vì BĐS
HBC lao dốc kể từ năm 2022, thời điểm thị trường BĐS bước vào chuỗi ngày u ám. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2022 âm 2.333 tỷ đồng, năm 2023 âm 1.080 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế trong 2022 và 2023 khiến vốn chủ sở hữu của HBC thâm hụt nghiêm trọng.
Tại thời điểm cuối quý I-2024, vốn chủ sở hữu của HBC chỉ còn 149 tỷ đồng, giảm 93%. Mặc dù nợ vay đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn neo tại mức tương đối cao khiến cấu trúc vốn của HBC hiện tại có phần tương đối mong manh. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tại quý I đạt 30,1 lần.
Nguyên nhân do thị trường BĐS gặp khó, khiến cho các khoản phải thu của HBC cũng tăng mạnh. Thống kê khoản phải thu cuối quý I của HBC đạt 10.618 tỷ đồng, dù giảm 7% nhưng vẫn giữ xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu đảo chiều. Song dự phòng nợ khó đòi quý I lên tới 2.387 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù HBC đã tích cực đẩy nhanh tiến trình thu hồi, nhưng tốc độ vẫn còn tương đối chậm. Điều này đặt ra rủi ro đáng kể đến kết quả kinh doanh của HBC, trong trường hợp các khoản phải thu tiếp tục trở thành nợ xấu và doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong năm 2024 khả năng cao HBC vẫn cần phải tiếp tục trích lập dự phòng, do các doanh nghiệp BĐS chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, khi nhu cầu về BĐS còn chưa chắc chắn. Trong khi đặc thù hoạt động của HBC ghi nhận khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng, tức ghi nhận trước khi chủ đầu tư nghiệm thu và lập hóa đơn.
Vì vậy, khoản phải thu tại HBC thường có tốc độ tăng cao hơn so với những doanh nghiệp ghi nhận theo khối lượng công việc đã được nghiệm thu.
Phản bác quyết định của HoSE
Ngày 26-7, HoSE có thông báo hủy niêm yết bắt buộc với mã HBC, do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 2.741 tỷ đồng. Ngay sau thông báo của HoSE, HBC đã gửi công văn phúc đáp tới HoSE liên quan đến việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC. Theo đó, HBC khẳng định không đồng ý với các căn cứ HoSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC, bởi 2 quan điểm.
Thứ nhất, Điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ, không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán hợp nhất, hay trên BCTC kiểm toán riêng. Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này.
Đối với trường hợp của HBC, vốn điều lệ là hơn 2.741 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tại BCTC kiểm toán riêng năm 2023 là hơn 2.401 tỷ đồng, và tại BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2023 là 3.240 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ lũy kế của HBC trên BCTC kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ, nên không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định.
Thứ hai, việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC, là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cụ thể, trước đây Quy chế niêm yết HoSE ban hành kèm theo Quyết định 85/QĐ-SGDHCM ngày 19-3-2018, có hướng dẫn về việc căn cứ vào BCTC hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con, nên các trường hợp tương tự HBC trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp.
Ngày 31-3-2022, Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), đã ban hành Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết kèm theo Quyết định 17/QĐ-HĐTV, để thay thế Quy chế niêm yết Chứng khoán tại HoSE. Theo đó, quy chế mới đã bỏ quy định nêu trên của quy chế cũ.
Việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây hay bất kỳ căn cứ nào khác, không phải là quy định pháp luật hiện hành thì không phù hợp quy định pháp luật. Theo đại diện HBC, việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39.000 cổ đông và hàng ngàn người lao động; đồng thời ảnh hưởng đến hơn 1.400 nhà cung cấp, nhà thầu phụ và người lao động của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, ngày 9-8, HoSE công bố quyết định hủy niêm yết 347,2 triệu cổ phiếu HBC. Theo đó, ngày giao dịch cuối cùng của HBC trên sàn HoSE là ngày 5-9, kết thúc hành trình 18 năm trên HoSE (niêm yết năm 2006).
Lộ trình khắc phục
Hiện tại, với cơ cấu tài chính tương đối mong manh từ khoản lỗ lũy kế sau 2 năm, việc tái cơ cấu trong thời điểm hiện tại với HBC là cấp thiết. Đầu tiên là giải pháp bán nợ. Trong năm 2023, HBC đã bán thành công khoản nợ gần 300 tỷ đồng cho một công ty mua bán nợ.
Dự kiến quý IV, HBC sẽ ghi nhận nốt khoản bán nợ còn lại, ước tính giúp vốn chủ sở hữu tăng thêm khoảng 258,7 tỷ đồng. Kế đến là hoán đổi nợ. HBC đặt kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho đối tác để hoán đổi nợ, triển khai trong năm 2024.
Ngày 28-6, HBC đã công bố thông tin kết quả đợt phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ với tổng số lượng hơn 73 triệu cổ phiếu, giúp việc tăng vốn điều lệ thêm 730,8 tỷ đồng. Với chính sách phát hành riêng lẻ, HBC dự kiến chào bán 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 12.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 2.400 tỷ đồng.
Cuối cùng là chuyển nhượng thiết bị xây dựng, HBC sẽ chuyển nhượng thiết bị xây dựng sau khi khấu hao 70%, dự kiến tăng vốn chủ thêm 400 tỷ đồng.
Theo VCBS, kỳ vọng trong trường hợp những phương án đề xuất trên thành công, lãi ghi nhận sẽ phần nào bù đắp khoản lỗ lũy kế trong vốn chủ sở hữu, tạo bộ đệm nguồn vốn dày hơn cho doanh nghiệp, trở thành động lực phục hồi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, VCBS đánh giá đây chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời, không mang tính bền vững. Trong bối cảnh ngành xây dựng có tính cạnh tranh cao, các chủ đầu tư thường ưu tiên những doanh nghiệp xây dựng có cơ cấu tài chính bền vững.
Do đó, HBC cần cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi, khôi phục vị thế doanh nghiệp để có thể kết nối với nhiều chủ đầu tư lớn, mở rộng quy mô dự án.
Mặc dù nợ vay đã có chiều hướng giảm, nhưng vẫn neo ở mức tương đối cao, khiến cấu trúc vốn của HBC hiện tại có phần tương đối mong manh. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tại quý I đạt 30,1 lần.