Trong sự phát triển ào ạt của công nghệ số, mạng xã hội giống như một phần không thể tách rời của đời sống. Tận dụng tính năng kết nối của internet, Mark Zuckerberg đã sáng lập ra Facebook và nhanh chóng trở thành tỷ phú. Không ai phủ nhận tiện ích của Facebook, nhưng cũng không ai lường trước được hệ lụy của Facebook.
Xã hội Việt Nam từ ngày có Facebook đã thay đổi như thế nào? Đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra hay khảo sát nào đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi một cái nhấp chuột có thể chia sẻ thông tin cũng có thể gây tổn thương cho cộng đồng. Hết chuyện dùng Facebook để đưa tin thất thiệt về vụ tai nạn giao thông ở Quảng Bình, lại có thêm chuyện dùng Facebook để kêu gọi tụ tập đua xe ở Đà Nẵng. Khi công cụ tạo ra sức mạnh liên kết bị sử dụng vào mục đích xấu, hậu quả rất đáng sợ.
Bây giờ Facebook không còn là nơi xóa nhòa khoảng cách không gian để giao lưu bạn bè lành mạnh và trong sáng nữa. Dẫu khắt khe vẫn phải thừa nhận, Facebook trong cộng đồng tiếng Việt không khác gì một cái chợ. Tiếng la hét, tiếng chửi rủa, tiếng gào thét… mỗi ngày mỗi nhiều hơn, và lấn át những âm thanh tử tế.
Một thí dụ rõ ràng nhất và đau lòng nhất về sự xâm thực và tàn phá của Facebook chính là môi trường giáo dục. Không chỉ học trò đua đòi lập Facebook để khoe giàu, khoe sang, khoe hàng hiệu, khoe thân thể… mà còn lập Facebook để nói xấu giáo viên. Thật xót xa khi chứng kiến trên Facebook có những trang mang tên “Hội những người ghét thầy cô chủ nhiệm” hoặc “Câu lạc bộ tẩy chay giám thị”. Và ở đó, học trò giấu tên bêu rếu và nhục mạ người truyền đạt kiến thức cho mình, học trò nặc danh vu vạ và mỉa mai cả truyền thống “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đành rằng học đường đề cao dân chủ, nhưng học trò muốn góp ý hay phản biện giáo viên cũng phải tuân thủ những nguyên tắc ứng xử lễ nghi văn minh.
Không thể ngăn cản công dân sử dụng Facebook, và cũng không thể ngăn cản học sinh sử dụng Facebook, nhưng có lẽ đã đến lúc phải nghiêm túc xây dựng văn hóa Facebook.
Đến nay, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh - Hà Nội đã đi đầu trong phong trào này bằng cách đưa ra những quy chuẩn cho học trò, chẳng hạn trong những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook đã nhắc nhở cụ thể: “Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt” và “Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai”.