Nỗi buồn đầu năm
Những ngày đầu năm mới 2022 là nỗi buồn cho cả DN và người nông dân khi có đến hàng ngàn xe container “chờ thời”, tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma và Tân Thanh thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đó những xe chở dưa hấu từ Quảng Ngãi, thanh Long từ Bình Thuận, chuối xanh của Tiền Giang, mít của Đắk Lắc, xoài của Bình Định…
Việc trái cây tươi ngon từ những miệt vườn các tỉnh phía Nam lâm vào tình cảnh này không mới, thường vào dịp thu hoạch rộ lại đúng lúc bên kia sinh sự. Họ thường lấy cớ chờ thay đổi thủ tục, áp dụng phương thức kiểm định hàng nhập khẩu (NK) mới...
Đợt này căng thẳng hơn vì lượng xe ách tắc tại cửa khẩu ngoài lý do trúng vụ, còn do đón nhu cầu tăng đột biến đón Tết Dương lịch cận kề Tết Nguyên đán. Đúng lúc này phía Trung Quốc viện lý do chống dịch covid phải phong tỏa cửa khẩu, cũng như do lỗi hệ thống mạng tại cửa khẩu của bên nước họ. Cho đến ngày cuối cùng của năm 2021, dù đã nỗ lực “giải phóng”, tình trạng vẫn “nóng”.
Đã vậy, hiện tại Lạng Sơn năng lực thông quan quá thấp, mỗi ngày tại cửa khẩu chỉ từ vài chục đến 200 xe/ngày. Hầu hết lái xe đường dài lại đều từ vùng dịch đi ra, nguy cơ mắc Covid-19, lây lan ra cộng đồng rất cao.
Cùng với đó, do hiện nay đúng vào đỉnh vụ thu hoạch trái cây ở nhiều địa phương nên số lượng phương tiện dồn đến các cửa khẩu tại Lạng Sơn chờ XK chưa dừng lại. Xe chờ, người đợi, chi phí đội lên, lời lãi trông vào chuyến hàng cuối năm vô vọng có khi mất trắng. Sự cố này gây phản ứng domino, trước hết chủ vựa dừng thu gom, sau nữa trái chín chất đống trong nhà, phần để chín rục ngoài đồng, tức khí đổ đi.
Tiên trách kỷ…
Đây là hậu quả tất yếu của chuỗi mù mờ trong nông nghiệp nước nhà. Đó là nông dân mù mờ về nhu cầu thị trường, tiêu thụ, sản lượng, quy chuẩn chất lượng, dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền miệng. Nhà kinh doanh mù mờ về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. DN tiêu thụ mù mờ về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp mù mờ về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài.
Thực tế, hiện nay mỗi loại cây trái đều có hiệp hội với mạng lưới rộng khắp. Vậy lâu nay và lúc này các hiệp hội đã và đang làm gì hay đang… họp bàn. Trên nữa là bộ máy công quyền về canh nông cùng Hội Nông dân cũng hùng hậu, xuyên suốt theo hệ thống hành chính quốc gia, với đội ngũ công chức bằng cấp đầy mình, mà vẫn để bà con nông dân mù mờ.
Đến nay, với việc ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực về hợp tác kinh tế song phương và đa phương, kèm theo là hàng chồng ưu đãi. Và có cả bộ máy lo toan về thị trường từ cấp cao đến tầm trung. Hội nghị, tọa đàm trực tiếp, trực tuyến về thị trường liên miên, chuyên gia kinh tế đầu ngành hiến kế ào ào.
Hơn nữa trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, từng phải trả giá đắt khi buôn bán tiểu ngạch, chúng ta đã quyết chuyển sang buôn bán chính ngạch. Những tưởng DN sẽ được dẫn dắt, vượt qua bão tố thương trường, cập bến vinh quang, nhưng rồi chỉ là thống kê con số XNK luôn xô đổ mọi kỷ lục, còn nông dân vẫn mù mịt.
Cũng tưởng các nhà kinh doanh đã được khai sáng, hóa ra vẫn mù mờ về thị trường. Và cũng tưởng trái cây Việt bớt phụ thuộc vào thị trường nước láng giềng, hiên ngang vượt qua bốn biển, tới khắp năm châu, vậy mà đến hẹn lại… tắc ở nơi biên ải.
Chúng ta hô hào chế biến nông sản để tăng giá trị hàng nông nghiệp, nhưng đến nay chủ yếu vẫn là sơ chế bằng phơi phóng, sàng sảy, rang sấy. Lác đác nông sản chế biến thực thụ được xuất ngoại, và có ngay không ít lô hàng bị trả về hoặc bị tiêu hủy.
Về chuyện này từng có chiến lược, quyết sách của cấp nọ, đề án tầm cỡ kia, song nông phẩm nhất là rau quả vốn dĩ “sáng tươi, chiều héo, tối đổ đi” vẫn bị “tống đi” XK dưới dạng tươi nguyên, thô mộc.
Có kiến nghị xây kho lạnh tạm trữ trong những ngày ùn tắc, bởi xây dựng, vận hành hệ thống kho lạnh không khó, chỉ riêng các bãi đỗ xe ở Lạng Sơn đã dư mặt bằng xây kho mát, lạnh. Song trái cây XK sang Trung Quốc tới Lạng Sơn chỉ dồn dập thời vụ thu hoạch, thường là 1 tháng. Vậy sau đó kho lạnh chứa gì, không lẽ làm kho trung chuyển hàng bên kia tràn vào rồi tỏa khắp đất Việt?
Nghe tin các loại trái cây phương Nam bị ùn ở cửa khẩu chờ ủng thối mà xót xa. Thử hỏi bà con ở phía Bắc, nhất là nơi cao, vùng xa đã mấy ai và mấy khi được thưởng ngoạn hương vị thơm thảo ngọt ngào của hoa quả phương Nam. Trong khi đó, bộ máy chuyên trách lo lưu thông, phân phối hàng hóa nội địa khá đầy đủ. Trên có bộ nọ, vụ kia chỉ đạo, rồi tỉnh nào cũng có sở, ban ngành, trung tâm lo liệu.
Nơi nào cũng có siêu thị, quầy, sạp hoa quả trong phố, ngoài chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ cóc, gánh hàng rong; nhiều nơi có kho lạnh, tủ mát… xe chở hàng các cỡ trên mọi cung đường, không thiếu. Chẳng nhẽ ngần ấy nhân lực tinh nhuệ, nhiệt tình, hạ tầng thương mại kỹ thuật hiện đại, phương tiện đủ đầy, lại không đủ sức để đưa hoa quả đến người tiêu dùng mọi nơi, khắp chốn.
Thực tế, những vấn đề này đều đã được đặt ra, nhiều cấp biết, lắm người tường tận, nhưng hành động dường như chỉ nhúc nhích. Mọi câu hỏi đều khó trả lời. Thôi đợt này coi như năm 2021 đã vỡ trận, cho qua. Chỉ mong từ nay các nhà hữu trách - công bộc của dân - hãy thực tâm vào cuộc. Nhà nông mong chờ, nhà kinh doanh tin cậy, người nông dân phấn khởi khi không còn tình cảnh ùn ứ xe chở nông sản XK tại các cửa khẩu.