Báo động
Mới chỉ đối mặt với một đợt mưa lớn từ ngày 9 đến 10-12, nhưng Thừa Thiên-Huế đã có đến 22 hồ chứa tiếp tục xảy ra hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ, nhà trạm quản lý xuống cấp. Trong đó, các hồ Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước, Cây Mang, Truồi... xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện mạng lưới trạm đo mưa ở hầu hết các khu vực sông khá thưa, đặc biệt vùng thượng lưu, bình quân 375km2 mới có 1 trạm. Số lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu tính toán dự báo lũ và phục vụ vận hành hồ chứa. Trong khi đó, sự phối hợp trao đổi thông tin, số liệu khí tượng thủy văn, lưu lượng xả giữa các cơ quan quản lý hồ chứa chưa chặt chẽ và kịp thời. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục thiên tai |
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Quy định các hồ thủy lợi có dung tích trên 10 triệu m3 sau 10 năm đi vào sử dụng phải kiểm định chất lượng công trình, riêng hồ dung tích dưới 10 triệu m3 không quy định kiểm định nhưng yêu cầu sau 7 năm phải đánh giá lại tốc độ dòng chảy, kiểm tra trực quan chất lượng công trình.
Song việc kiểm định chất lượng công trình thủy lợi không đơn giản, cần rất nhiều kinh phí thuê tư vấn đánh giá khả năng ổn định thân đập, khả năng bồi lắng... “Đơn vị đang triển khai khắc phục tạm một số hạng mục trong phạm vi cho phép các hồ thủy lợi bị hư hỏng, phần sửa chữa lớn phải chờ sự hỗ trợ về kinh phí từ phía UBND tỉnh cũng như Bộ NN-PTNT”.
Quảng Trị - địa phương có nhiều hồ đập lớn cũng nằm trong tình trạng báo động đỏ. Ngoài đập tràn Nam Thạch Hãn xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh này còn có 39 hồ, đập khác hư hỏng, mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Trong đó, tại huyện Vĩnh Linh có 22 hồ chứa xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Thân đập các hồ chứa chủ yếu đắp đất, thời gian sử dụng quá lâu lại thiếu duy tu bảo dưỡng, đã khiến các hồ đập ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, nhiều hồ chứa đang nằm trong khu đông dân cư, có nguy cơ gây thiệt hại nặng trong mùa mưa lũ.
Dự báo lũ về các hồ chứa chưa chính xác gây khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành liên hồ chứa tại miền Trung và Tây nguyên.
“Những hồ chứa nào, công trình nào mất an toàn sẽ không tiến hành tích nước trong mùa mưa nhằm đảm bảo an toàn vùng hạ du. Nhưng thực tế, hầu hết các địa phương lại không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành thủy lợi nên công tác quan trắc, đo đạc mực nước hồ, việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ quản lý hồ gần như bỏ ngỏ” - một cán bộ tại UBND huyện Vĩnh Linh nhìn nhận.
Cùng với đó, rất nhiều trường hợp hồ sơ lưu trữ công trình hồ chứa trong số 693 hồ hư hỏng, xuống cấp tại miền Trung - Tây nguyên, còn bị thất lạc hoặc rách nát, nhất là các hồ chứa nhỏ xây dựng cách đây 30-40 năm hầu như không còn hồ sơ thiết kế công trình.
Tại hội nghị nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây nguyên do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công Thương vừa tổ chức tại TP Huế, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục thiên tai (Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai), cho rằng công tác dự báo lũ về hồ chứa ở miền Trung - Tây nguyên trong các năm 2016-2017 và những tháng đầu năm 2018 chưa chính xác và kịp thời. Một nguyên nhân chính là thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn.
Đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, số liệu dự báo tại các thời điểm từ phía các chủ đập thủy điện lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chưa thống nhất, chưa dự báo được thời gian xuất hiện đỉnh lũ, dẫn đến việc tính toán, tham mưu ban hành lệnh điều tiết lũ còn bị động. Sông Vu Gia hiện chịu ảnh hưởng điều tiết lũ 3 hồ thủy điện (A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4), nên khi xuất hiện lũ 3 hồ chứa này sẽ đồng thời vận hành điều tiết, đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ, dẫn đến mực nước hạ du sông này lên nhanh.
Cầu cứu Trung ương
Cầu cứu Trung ương
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) thống kê, miền Trung - Tây nguyên hiện có 3.551 hồ chứa thủy lợi, chiếm 53,4% tỉnh, thành có hồ trên cả nước. Song 2 khu vực này lại chiếm đến 58% số hồ đập hư hỏng trong cả nước. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, miền Trung - Tây nguyên xảy ra 38 sự cố đập, hồ chứa trong tổng số 50 sự cố đập, hồ chứa trên cả nước.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lũ các hồ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp công tác truyền thông, liên lạc ứng phó trường hợp vận hành xả lũ hồ chứa giữa chủ hồ chứa, chính quyền địa phương. Kiểm tra, thử nghiệm các hệ thống liên lạc, hệ thống cảnh báo xả lũ khẩn cấp… Ngoài ra, cần tổ chức các buổi diễn tập ứng phó kịch bản xả lũ, lồng ghép các hoạt động, phương án khi xảy ra gián đoạn hệ thống thông tin giữa các cơ quan chức năng và người dân.
Nhiều chuyên gia ngành thủy lợi cho rằng, xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt khu vực hạ du các con sông rất phức tạp, kinh phí lớn nên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng như Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cần hỗ trợ các địa phương trong việc chỉ đạo, bố trí kinh phí và chọn tư vấn đủ năng lực thực hiện.
Ông Trần Văn Lượng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương cho rằng, phải tính toán chính xác lượng nước về hồ để có quyết định, điều hành an toàn nhưng cũng phải đảm bảo được tối đa nguồn nước, coi nguồn nước là một tài nguyên, không chỉ phục vụ cho vấn đề phát điện mà còn cho vấn đề xã hội. “Chúng tôi sẽ đề nghị với Bộ TN-MT ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc quan trắc các hồ thủy điện, đồng thời hướng dẫn xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du” - ông Lượng chia sẻ.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các quyết định phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trong đó có 7 quy trình khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương, chủ hồ tổ chức triển khai thực hiện mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế.