Hiểm họa ma túy biến tướng, đội lốt thực phẩm

Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian gần đây, nhiều bệnh viện đã cấp cứu không ít bệnh nhân bị ngộ độc ma túy nặng, nguy hiểm tới tính mạng. 

Phần lớn những trường hợp này không phải do sử dụng trực tiếp ma túy mà vô tình dùng một số đồ ăn, thức uống có chất ma túy, khiến việc phát hiện và điều trị gặp nhiều khó khăn.

Một số loại kẹo, đồ uống có chứa chất ma túy được rao bán trên mạng xã hội

Một số loại kẹo, đồ uống có chứa chất ma túy được rao bán trên mạng xã hội

Qua mặt cơ quan chức năng

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cấp cứu một nữ bệnh nhân 56 tuổi ở quận Thanh Xuân bị ngộ độc cần sa trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, giãn đồng tử. Đáng lưu ý, người phụ nữ này bị ngộ độc sau khi ăn một loại bỏng ngô (bắp rang) được con trai đặt mua trên mạng. Sau khi ăn bỏng ngô vài phút, người mẹ này đã hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn và mất ý thức. Khi được đưa vào Trung tâm Chống độc cấp cứu, tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ đã phát hiện trong cơ thể của nữ bệnh nhân này có chất THC - một chất chính có trong cần sa.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận điều trị 5 người nhập viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở sau khi ăn một loại kẹo chocolate có tên Chill Max. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã lấy mẫu kẹo trên gửi cơ quan công an xét nghiệm và giám định thì phát hiện có chất ma túy tổng hợp ADB - BUTINACA trong các viên kẹo.

Qua tìm hiểu, các loại ma túy tổng hợp không chỉ biến tướng, núp bóng rất tinh vi dưới vỏ bọc của các loại đồ ăn, thức uống thông thường, mà còn biến đổi liên tục nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Chẳng hạn, chocolate cần sa về hình thức không khác gì thanh chocolate bán trên thị trường nhưng thực chất là cần sa trộn lẫn bột ca cao và có thêm các thành phần chính như THC, CBN, CBD - những chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng. Hay "tem giấy" là những miếng giấy nhỏ như con tem, in các hình ảnh ngộ nghĩnh hoặc nhân vật hoạt hình, chỉ cần liếm miếng tem hay đặt miếng tem lên đầu lưỡi, người dùng sẽ có cảm giác ngây ngất.

Đặc biệt, mới đây xuất hiện một loại ma túy tổng hợp ngụy trang dưới dạng bột trái cây pha uống, được rao bán tràn lan trên mạng. Bao bì không ghi thông tin của nhà sản xuất và xuất xứ của sản phẩm, bên trong là chất bột có màu trắng đục với mùi hương hoa quả, nhưng qua giám định, kết quả cho thấy, thành phần chủ yếu trong chất bột này là ma túy tổng hợp MDMA.

Cùng với đó là nhiều dạng ma túy núp bóng khác như tinh dầu thuốc lá điện tử; chất ma túy ketamine trộn lẫn vào nước nho Ribena, trà chanh, nước giải khát Tropicana Twister… thậm chí ma túy trộn cả vào thực phẩm chức năng. Tinh vi hơn, trên thị trường cũng xuất hiện không ít ổ nhóm, đối tượng sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng giao hàng trên mạng để giao dịch mua bán trái phép các chất ma túy biến tướng dưới dạng thực phẩm, đồ uống.

Khó tìm ra phác đồ điều trị

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, gần đây, trung tâm đã cấp cứu, điều trị cho nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy tổng hợp biến tướng dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát, thuốc lá điện tử. Phần lớn các trường hợp bị ngộ độc này đều là thanh, thiếu niên nhập viện trong tình trạng ngộ độc cấp với các biểu hiện hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp. Đáng lo ngại, các trường bị ngộ độc ma túy đội lốt đồ ăn, thức uống rất khó để tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả và nếu điều trị được, người bệnh cũng bị ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe và tinh thần. Hơn nữa, hiện nay có hàng trăm chất cần sa, ma túy tổng hợp được tạo mới nhưng năng lực xét nghiệm của cơ quan chức năng chưa theo kịp tốc độ gia tăng của các chất gây nghiện mới.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, trước đây, cụm từ ma túy tổng hợp dùng để ám chỉ nhóm amphetamine và các dẫn xuất như methamphetamine (đá), MDMA (lắc) và để phân biệt với nhóm ma túy có nguồn gốc từ thiên nhiên là cần sa, thuốc phiện cùng với các dẫn xuất như morphine và heroin. Vài năm gần đây, nhiều loại ma túy mới được du nhập bất hợp pháp vào Việt Nam như tem giấy/bùa lưỡi (LSD), muối tắm (chiết xuất từ lá khat), cỏ Mỹ (cần sa tổng hợp), ke (ketamine). Về phương diện dược lý học thần kinh, ma túy được chia thành 2 nhóm. Nhóm ức chế trầm dịu, bản chất là một thuốc gây mê (nhóm thuốc phiện và các dẫn xuất, ketamine) và nhóm kích thích bao gồm các chất ma túy còn lại.

Do tính chất đối kháng của 2 nhóm ma túy này, nên chúng không được trộn chung với nhau, nhưng “dân chơi” có thể dùng heroin, ketamine hoặc thậm chí nhóm thuốc gây ngủ (hướng thần) như bezodiazepin sau khi sử dụng nhóm kích thích để “hóa giải” bớt trạng thái hưng phấn của nhóm ma túy kích thích. “Việc trộn những loại ma túy này với nhau có thể gây ra tương tác dược lý học khó dự đoán, khó kiểm soát vì có thể gây suy hô hấp (ketamin với diazepam) hay loạn nhịp tim và tăng huyết áp (MDMA với ketamine) có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển thông tin.

Các tin khác