Hiểm họa từ khung sắt 'chuồng cọp' bao quanh nhà

(ĐTTCO) -  Việc người dân tự ý lắp "chuồng cọp" không phải mới, nhưng các vụ cháy xảy ra mới đây ở những căn nhà này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Khung sắt bên ngoài những căn nhà có mục đích để chống trộm, nhưng lại mang đến mối nguy lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Khung sắt bên ngoài những căn nhà có mục đích để chống trộm, nhưng lại mang đến mối nguy lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, các vụ cháy ở những căn nhà có khung sắt lắp kín hành lang, ban công ("chuồng cọp") để chống trộm liên tiếp xảy ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có nạn nhân may mắn được cứu thoát, nhưng cũng có người không thoát được.

Mới đây, những người dân ở phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh phá khung sắt "chuồng cọp" để cứu một gia đình 3 người thoát khỏi căn nhà đang bốc cháy.

Nhờ chiếc máy cắt cầm tay, anh Quý, người hàng xóm đã cắt đứt một phần khung sắt, tạo được lối thoát để giải cứu người bên trong.

"Anh em tay chân rất lủng củng, người chụp này, chụp kia, hơi bị rối. Cuối cùng cũng kéo dây điện được, trèo lên để cắt. Nói về chuồng cọp, mình làm ở ngoài vào không được, nhưng ở trong mở rất dễ. Làm cái gì cũng phải nghĩ đường thoát cho gia đình mình trước", anh Trần Ngọc Quý , quận 12, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Việc người dân sử dụng khung sắt bao kín căn nhà để chống trộm không phải là hiếm ở TP Hồ Chí Minh. Ngôi nhà nằm kế bên ngôi nhà bị cháy có khung sắt rất kiên cố. Lối thoát hiểm cao ngang ngực người lớn, có hình vuông.

Còn tại Cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, chi chít những khung sắt được lắp thêm ở khu nhà này, bên trên mỗi khung sắt đều có mái tôn.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC), Công an TP Hồ Chí Minh, khu vực ban công, lô gia là vị trí thuận lợi cho việc cứu nạn cứu hộ. Vì vậy, khu vực này không được lắp đặt khung sắt.

"Không ai cấp phép cho các hộ này lắp đặt rào chắn ở ban công, lô gia. Do hiện nay người dân tự ý làm nên đang vận động, tuyên truyền tháo dỡ. Sắp tới, nếu vi phạm về xây dựng sẽ có biện pháp chế tài mạnh hơn", Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Để người dân đồng ý tháo dỡ khung sắt ở ban công, lô gia, đặc biệt là phòng kẻ trộm, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ đã có mô hình PCCC kết hợp chống kẻ gian đột nhập.

"Hiện nay chúng tôi có mô hình tổ liên gia về an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng. Từ 5 nhà trở lên sẽ kết nối bằng hệ thống chuông. Ngoài vấn đề báo cháy, nó là một trong những biện pháp hỗ trợ phòng gian. Khi nhà mình có đột nhập thì với tiếng chuông này, mọi người trong khu vực sẽ đến hỗ trợ", Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Khung sắt bên ngoài những căn nhà có mục đích để chống trộm, nhưng lại mang đến mối nguy lớn hơn là bịt mất đường thoát nạn khi xảy ra cháy nổ, đã có nhiều thương vong đáng tiếc có nguyên nhân từ những khung sắt "chuồng cọp" này.

Các tin khác