Trải qua nhiều vòng đàm phán, RCEP tưởng chừng đã đạt được thống nhất, tuy nhiên tình hình trở nên phức tạp hơn kể từ Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 vào tháng 11-2019 tại Thái Lan khi Ấn Độ chưa tìm được “tiếng nói chung” với 15 quốc gia còn lại và cho rằng RCEP không xử lý thỏa đáng những vấn đề vướng mắc và quan ngại của nước này.
Ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN khẳng định, các thành viên ASEAN và các nước đối tác khác đang rất nỗ lực để đàm phán RCEP đạt hiệu quả.
Trước đó, các Bộ trưởng Kinh tế (AEM) thể hiện quan ngại sâu sắc và chia sẻ đến các quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các bộ trưởng cũng đưa ra tuyên bố chung khẳng định ASEAN đang nỗ lực vượt qua bằng những hành động chọn lọc để giảm thiểu tác động của Covid-19 như: tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và đầu tư trong ASEAN; chia sẻ thông tin trong khu vực và phối hợp để đối phó với các thách thức kinh tế do sự bùng phát của Covid-19; kiềm chế các hành động để không tạo ra áp lực lạm phát không cần thiết hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực trong khu vực, nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa và nhu yếu phẩm; dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là các hàng rào cản trở dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng, tránh áp dụng các biện pháp phi thuế quan mới và không cần thiết...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN
Hội nghị diễn ra với kỳ vọng sẽ “tìm được điểm cân bằng” giữa các thành viên RCEP, cụ thể là giữa Ấn Độ và 15 thành viên còn lại để RCEP có thể ký kết vào tháng 10-2020 với đủ 16 thành viên.