CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và công ty con là CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), từng có thời gian song hành trong thời gian khá dài, từ thanh khoản, giá CP cho đến những sai phạm về công bố thông tin. Tuy nhiên, trong khi mã HNG bất ngờ hồi sinh nhờ nguồn vốn từ NĐT chiến lược mới, thì HAG vẫn nằm trong nhóm CP rẻ bèo.
HAG - Gánh nặng lãi vay
Ngày 15-12-2018, sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng trước Malaysia để giành chức vô địch AFF Cup, trên mạng xã hội và các diễn đàn CK, đã có nhiều lời kêu gọi mua vào CP HAG để tri ân những đóng góp của bầu Đức cho nền bóng đá Việt Nam. Trên thực tế, HAG giao dịch khởi sắc hơn sau những lời kêu gọi này, và có thời điểm mã CP này vượt mốc 5.000 đồng/CP.
Tuy nhiên, nguồn tiền từ những người yêu mến ông chủ của HAG đã không thể giúp mã CP này bứt phá, thậm chí trở thành cơ hội cho những NĐT đang muốn thoát hàng bán CP. Những ngày gần đây, thông tin giá cao su thế giới tăng mạnh, tưởng chừng sẽ giúp cho HAG bứt phá, nhưng cũng như sự kiện trên, HAG vẫn giao dịch lình xình ở quanh mốc 5.000 đồng/CP.
Việc HAG không thể tạo sóng trước thông tin giá cao su thế giới tăng mạnh, được giới phân tích lý giải là do sản phẩm cao su Việt Nam chủ yếu là SVL3L, không có nhiều nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Trong khi đó, những loại cao su được sử dụng nhiều như SVR20 hay RSS, thì các doanh nghiệp lốp xe của Việt Nam phải nhập về, do trong nước không tự sản xuất được. Do vậy, việc giá cao su tăng có tác động không mấy tích cực đến các doanh nghiệp lốp xe của Việt Nam nhiều hơn là tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất cao su như HAG. Theo thống kê, HAG hiện có khoảng 40.000ha cây cao su, trong đó diện tích khai thác trong năm 2018 là hơn 17.000ha.
Quay lại với tình hình sản xuất kinh doanh của HAG. Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III-2018, lũy kế 9 tháng, HAG ghi nhận 519,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 50%). Nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của HAG bị “bào mòn” vẫn bắt nguồn từ yếu tố không mới, đó là gánh nặng nợ vay ngân hàng.
Thời hoàng kim của HAG vào năm 2007-2008 khi bầu Đức gắn liền với bất động sản.
Tính đến thời điểm 30-9-2018, HAG đang gánh khoản nợ vay lên đến 21.100 tỷ đồng, bao gồm 5.790 tỷ đồng vay ngắn hạn và gần 15.270 tỷ đồng vay dài hạn. Dù nợ vay đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm 2018, nhưng chi phí lãi vay 3 quý gần nhất gần 1.366 tỷ đồng, riêng quý III hơn 442 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi năm HAG phải chi ra khoảng 1.300 tỷ đồng (chiếm trên 20% doanh thu) chỉ để trả lãi vay ngân hàng.
Nợ vay của HAG bắt đầu gia tăng mạnh thời điểm năm 2007-2008, khi bầu Đức quyết định bỏ bất động sản chuyển hướng sang trồng cây cao su. Thời điểm đó, giá cao su trên thị trường thế giới đạt đỉnh 5.000 USD/tấn. Tuy nhiên, ngay sau khi HAG chuyển hướng sang nông nghiệp bằng việc thành lập công ty con là HNG, thì giá cao su lại bất ngờ lao dốc khiến cho doanh nghiệp này rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tình trạng càng bi đát hơn khi những mảng đầu tư kế tiếp của HAG như mía đường hay chăn nuôi bò cũng không thành công.
HNG có “thoát xác”?
HNG có “thoát xác”?
Trên TTCK, HAG và HNG được ví như “cặp đôi hoàn cảnh” khi 2 mã CP này luôn song hành cùng nhau trong thời gian dài, từ thanh khoản, mức giá thấp ngang nhau, cùng xin gia hạn thời gian công bố BCTC, cùng nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên, cho đến những vi phạm về thuế, hay sai phạm về công bố thông tin cũng giống nhau.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 5-2018, HNG bất ngờ bứt tốc, từ mức giá hơn 7.000 đồng/CP, mã CP này bất ngờ tăng chạm mốc 18.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 4-9-2018. Năm 2015, HNG chào sàn HOSE với giá tham chiếu 35.000 đồng/CP, nhưng với kết quả kinh doanh quá kém, mã CP này có thời điểm giảm xuống sát mức 5.000 đồng/CP.
Việc HNG bất ngờ hồi sinh đến từ nguồn vốn của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Đầu tháng 8-2018, Thaco ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đầu tư vào 2 công ty của HAG là HNG và HAGL Myamar. Theo công bố, Thaco sẽ chi 7.800 tỷ đồng để sở hữu lần lượt 35% và 51% vốn tại 2 công ty này. Tuy nhiên, đây chỉ là số vốn ban đầu bỏ ra để sở hữu cổ phần, theo lộ trình Thaco cam kết sẽ tái cơ cấu khoản nợ 14.000 tỷ đồng của HAG.
Như vậy, tổng số tiền Thaco đầu tư vào HAG vượt mức 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Sau khi ký kết chiến lược, Thaco đã đưa nhân sự vào các vị trí chủ chốt tại HNG. Cuối tháng 12, HNG đã miễn nhiệm 6 Phó tổng giám đốc và thay thế dần các đại diện từ Thaco. Các chức vụ Thành viên HĐQT, Thành viên Ban kiểm soát, Kế toán trưởng và Phó tổng giám đốc đều có mặt các cá nhân từ Thaco.
Có thể nói, quyết định rót vốn đầu tư của Thaco vào HNG khiến cho giới đầu tư hết sức bất ngờ, bởi nông nghiệp không phải là thế mạnh của tập đoàn chuyên về sản xuất ô tô này. Thực tế, ngay cả lãnh đạo HAG cũng không ngại ngần chia sẻ về quyết định đầu tư mạo hiểm này. Phát biểu tại lễ ký kết, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAG, cho rằng Thaco đã rất dũng cảm khi cam kết đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của HNG, với mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/CP vào thời điểm mà HAG và HNG đang rất khó khăn về thanh khoản, không đủ tiền trả nợ gốc và lãi vay, giá CP trên thị trường lúc đó chỉ có 6.520 đồng/CP.
Trên thực tế, HNG vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể nào sau khi đón nhận “luồng gió mới” từ Thaco. Theo BCTC quý III-2018, lũy kế 9 tháng, doanh thu HNG tăng mạnh lên mức 2.921 tỷ đồng (cùng kỳ 2017 đạt 2.678 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận lại bất ngờ âm 177 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 lãi 952 tỷ đồng). Theo giải trình, lợi nhuận giảm mạnh là do các nguyên nhân như: chi phí lãi vay tăng do diện tích khai thác tăng, doanh thu tài chính giảm, lỗ chênh lệch tỷ giá, chi phí quản lý tăng phải xóa sổ các tài sản hoạt động không hiệu quả.
Cuối năm 2017, HAG bất ngờ bị Cục Thuế Gia Lai phong tỏa tài sản để thu hồi khoản nợ thuế hơn 55 tỷ đồng. Đến ngày 30-11-2018, HAG đã nộp đầy đủ khoản tiền trên và được Cục Thuế Gia Lai bỏ quyết định phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, những thông tin này đều không được HAG công bố với lý do sơ suất. |