Ngay sau khi được phê duyệt quy hoạch, Khu du lịch (KDL) Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) đã đón nhận làn sóng đầu tư đầu tiên với 10 dự án, tổng số vốn đăng ký 9.465 tỷ đồng. điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của KDL sở hữu vùng hồ sinh thái lớn nhất phía Bắc.
Thay áo mới cho Hồ Núi Cốc
Lễ công bố quy hoạch xây dựng vùng du lịch Hồ Núi Cốc, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức sáng 25-6. Có thể nói tiềm năng du lịch của vùng Hồ Núi Cốc đã được khẳng định từ lâu, nhưng sức phát triển vẫn bị kìm nén mà nguyên nhân chính do công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Sau nhiều thập niên hình thành và phát triển, du lịch Hồ Núi Cốc đã chật chội trong chiếc áo cũ. Việc phát triển không gian quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, xây dựng công trình... chưa đáp ứng thực tế.
Các khu dân cư và KDL ven hồ hình thành không theo quy hoạch đã gây ra các mâu thuẫn, làm giảm khả năng thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng của khu vực, đe dọa các mục tiêu phát triển chung.
![]() |
Vùng du lịch Hồ Núi Cốc được phát triển theo hướng đặt ưu tiên cao nhất |
Với tầm nhìn xây dựng vùng du lịch Hồ Núi Cốc trở thành KDL trọng điểm quốc gia và một trung tâm phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của Thái Nguyên, những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch với sự tham vấn của các nhà quy hoạch uy tín trong nước và quốc tế.
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng du lịch Hồ Núi Cốc được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và công bố lần này bao trùm một vùng địa lý rộng lớn gần 19.000ha, trong đó Hồ Núi Cốc nằm ở trung tâm với 2.500ha diện tích mặt hồ.
Cửa mở với nhà đầu tư đủ năng lực
![]() ![]() | |
Phó Thủ tướng Chính phủ HOÀNG TRUNG HẢI |
Quy hoạch này sẽ cởi trói cho sức phát triển của vùng du lịch Hồ Núi Cốc, làm căn cứ thu hút các dự án đầu tư, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững; đồng thời bảo tồn và phát huy được các giá trị cảnh quan và sinh thái tự nhiên vùng du lịch Hồ Núi Cốc.
Đây là điều nhiều chuyên gia quan tâm khi tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển du lịch trong vùng Hồ Núi Cốc, bởi là hồ đa công năng, trong đó chức năng quan trọng nhất là điều tiết nước phục vụ nông nghiệp 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh và nước sinh hoạt cho dân cư TP Thái Nguyên.
Nhiều nhà môi trường cũng bày tỏ lo lắng việc bảo vệ rừng đầu nguồn Hồ Núi Cốc và bảo vệ môi trường khi các dự án du lịch, sân golf tầm cỡ được cấp phép đầu tư trong vùng lòng hồ. Do vậy, thời gian tới thách thức lớn nhất đối với tỉnh Thái Nguyên trong việc phát triển vùng du lịch Hồ Núi Cốc chính là quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Nếu việc quản lý được thắt chặt theo đúng Quy chế quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành kèm theo, đây sẽ thực sự là một thách thức lớn đối với các nhà đầu tư. Trong đó, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định bảo vệ nghiêm ngặt các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo tồn và phát triển 89 hòn đảo trên hồ theo hướng du lịch sinh thái.
Theo quy định, các nhà đầu tư chỉ được san gạt cục bộ, chủ yếu giữ địa hình tự nhiên, chỉ đào đắp khi lấy mặt bằng xây dựng, không được phá vỡ địa hình tự nhiên để chống xói lở và ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường sinh thái. Cao độ xây dựng xung quanh hồ phải bảo đảm lớn hơn 50m. Các khu vực có cao độ trên 100m dành riêng cho bảo tồn sinh thái, được gìn giữ và bảo vệ như các khu vực thiên nhiên hoang dã.
Tại lễ công bố quy hoạch, tỉnh Thái Nguyên cũng thể hiện rõ chính sách quản lý khá khắt khe đối với các dự án vừa được trao giấy phép đầu tư vào KDL Hồ Núi Cốc. Các nhà đầu tư đều phải chứng minh khả năng tài chính, khả năng quản trị dự án, ký quỹ bảo vệ môi trường và cam kết tiến độ thực hiện dự án.
Thông điệp của UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra rất rõ ràng, đó là bản đồ án quy hoạch phát triển KDL Hồ Núi Cốc chỉ thực sự mở cánh cửa cho những nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và chuyên môn, nhưng đồng thời phải là những người biết trân trọng giá trị vô giá của môi trường thiên nhiên.