Từ vụ việc đáng tiếc này, nhiều người bắt đầu nghi ngại về sự an toàn cho những người dùng TikTok trên khắp thế giới, khi khâu kiểm duyệt ví như mớ hỗn độn với phần nội dung độc hại đang chiếm thế thượng phong.
Hố đen nguy hiểm và vụ kiện tập thể
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Franceinfo ngày 4-11, Luật sư Laure Boutron-Marmion cáo buộc thuật toán của TikTok đã để cho 7 trẻ vị thành niên tiếp xúc với các video tự làm hại bản thân và rối loạn ăn uống. Đây cũng là nguyên nhân buộc các gia đình cùng nhau nộp đơn kiện lên tòa án tư pháp Créteil ở Paris. Luật sư Boutron-Marmion cho biết, đây là vụ kiện tập thể đầu tiên ở châu Âu liên quan đến vấn đề này.
“Các nguyên đơn muốn làm rõ trách nhiệm pháp lý của TikTok tại tòa. TikTok là một công ty thương mại, cung cấp sản phẩm cho người dùng bao gồm cả trẻ vị thành niên. Họ phải chịu trách nhiệm trước những thiếu sót trong sản phẩm của mình” - Luật sư Boutron-Marmion cho biết.
TikTok giống như các nền tảng mạng xã hội khác, từ lâu đã đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về vấn đề kiểm duyệt nội dung. Chính vì vậy cũng như Facebook và Instagram của Meta, TikTok hiện đang đối diện hàng trăm vụ kiện tại Mỹ với cáo buộc lôi kéo, gây nghiện hàng triệu trẻ em, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của các em.
Vào tháng trước, hơn 10 bang và quận Columbia, Mỹ đã nộp đơn kiện chống lại TikTok, cáo buộc nền tảng này gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của trẻ em bằng các thiết kế nhằm thúc đẩy sử dụng quá mức.
Thực tế, TikTok đang bị không ít quốc gia trên thế giới “kỳ thị” vì nhiều lý do. Dù có nhiều mặt tích cực, nhưng người dùng chỉ thấy được những tính năng tiện dụng của mạng xã hội này mà các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở phương Tây ngày càng bày tỏ lo ngại, rằng TikTok và công ty mẹ ByteDance có thể sẽ ăn cắp những thông tin nhạy cảm của người dùng.
Một vài quốc gia và cơ quan Chính phủ khác - bao gồm Anh, Australia, Canada, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu, Pháp và New Zealand, đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị chính thức. Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số Đài Loan mới đây đã tuyên bố, TikTok là một sản phẩm nguy hiểm đại diện cho mối đe dọa an ninh quốc gia.
Trước đó, ở châu Á, TikTok cũng bị nhiều nước ban hành lệnh cấm. Như thu thập thông tin trái phép, nội dung độc hại, gây chết người là các lý do khiến TikTok bị cấm ở Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ. Cụ thể, đầu tháng 7-2018, chính quyền Indonesia đã đưa ra lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này do chứa nhiều nội dung khiêu dâm và không phù hợp.
Giữa tháng 2-2019, TikTok tiếp tục bị cấm ở Bangladesh, cũng như bị phạt 5,7 triệu USD ở Mỹ, vì thu thập trái phép thông tin của người dùng là trẻ em.
Mối nguy hại trong ứng dụng TikTok
Hơn 1 năm trước (vào tháng 4-2023), Bộ Thông tin và Truyền thông công bố nhiều sai phạm của các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam, đặc biệt là TikTok. Không lâu sau đó, cơ quan quản lý thành lập đoàn kiểm tra nhằm làm rõ những vấn đề vi phạm pháp luật tại đây. Tới tháng 10-2023, đoàn kiểm tra kết luận TikTok có 7 vi phạm liên quan tới dịch vụ thương mại điện tử, nội dung độc hại, gây hại cho trẻ em.
Tuy nhiên, sau 1 năm, nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại trên nền tảng này, thậm chí phát sinh mới. Những nội dung độc hại, sai lệch vẫn tiếp diễn và liên tục được thuật toán đẩy lên “Xu hướng” để có thể tiếp cận nhiều người xem hơn, nhằm giữ chân người dùng ở lại lâu trên nền tảng.
Trong đó, một trong những vụ việc gần đây nhất là hàng loạt người nổi tiếng, các tài khoản tick xanh, xác thực với hàng triệu người theo dõi trên TikTok đã quảng cáo trá hình cho các sàn forex (chơi tiền ảo), website cá độ bóng đá, bài bạc trực tuyến. Những nội dung này đã tồn tại một thời gian dài, tiếp cận hàng trăm ngàn, thậm chí vài triệu lượt người dùng trước khi "đột ngột biến mất" vì gặp phản ứng bức xúc từ cộng đồng.
Bên cạnh vấn nạn về quảng cáo cờ bạc, cá độ phạm pháp hay những nội dung khêu gợi để thu hút người xem, TikTok vẫn còn rất nhiều video cung cấp kiến thức sai lệch hoặc mang tính rủ rê, tạo phong trào khiến không ít người làm theo vì tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ), muốn gây được sự chú ý hoặc chứng minh bản thân.
Ngoài ra, TikTok ở Việt Nam cũng từng dính vào những lùm xùm không đáng có khác. Từ năm 2022 trở lại đây, trên nền tảng TikTok xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, nhiều nội dung độc hại được phát triển mạnh mẽ trên TikTok, gây ảnh hưởng đến trẻ em Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của trang DatarePortal tháng 10-2024, Việt Nam có khoảng 68 triệu người dùng TikTok, xếp thứ 5 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng lớn nhất thế giới; khoảng 78,44 triệu người dùng internet tại Việt Nam.
Sự thiếu kiểm duyệt và đề xuất nội dung nổi bật cho người dùng của ứng dụng TikTok, là điều kiện thuận lợi các thông tin sai lệch xuất hiện tràn lan trên nền tảng để các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động.
Người sử dụng TikTok nói riêng và các nền tảng mạng xã hội khác nói chung cần phải cảnh giác và chủ động bảo vệ bản thân khi tham gia vào mạng xã hội, đặc biệt là bằng cách thiết lập một "bộ lọc" cá nhân để hạn chế tiếp cận với những nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và sự tự giác của mỗi người vì chưa có quy định cụ thể bắt buộc người dùng phải thực hiện.
Hiện nay, TikTok đã trang bị các công cụ để ngăn chặn và báo cáo các nội dung tiêu cực, phản cảm, hoặc có thể gây hại cho cộng đồng. Vì vậy, người dùng cần biết cách tận dụng hiệu quả các tính năng này để bảo vệ chính mình và cộng đồng.