Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, về vấn đề này.
Ngành dệt may đang bị giảm các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
PHÓNG VIÊN: - Qua khảo sát, ông có nhận xét gì về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn TPHCM hiện nay?
Ông PHẠM THÀNH KIÊN: - Dịch Covid-19 đã tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN thuộc nhiều lĩnh vực. Dẫn chứng qua kết quả các chỉ tiêu 5 tháng đầu năm 2020 còn giảm hoặc có mức tăng thấp so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 7,2%; doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 13,7%); tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN TPHCM qua cửa khẩu cả nước ước tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 7,2%).
Điểm đáng mừng là qua các số liệu trên cho thấy thị trường tiêu thụ (trong nước và xuất khẩu) của các DN TPHCM trong 5 tháng đầu năm 2020 còn duy trì mức tăng trưởng khá; đặc biệt từ sau khi TP dỡ bỏ giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 5 đang trở về bình thường. So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20%, xuất khẩu tăng 10%, nhập khẩu tăng 15%. Đây là tín hiệu khả quan và tôi hy vọng các kết quả này sẽ được tăng tốc trong các tháng còn lại.
Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê thành phố thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, có 85,5% DN trên địa bàn bị tác động bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, một số ngành có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (98,2%); dịch vụ lưu trú (97,1%); dịch vụ ăn uống (92,4%); hoạt động của các đại lý du lịch (92,2%); dệt (90,3%); sản xuất trang phục (89,9%); vận tải kho bãi (87,1%); bán lẻ (87,1%)...
Dưới góc độ quản lý ngành, Sở Công thương nhận thấy, các ngành trụ cột là động lực cho tăng trưởng kinh tế TP cũng chính là những ngành gặp nhiều khó khăn trong điều kiện hiện nay. Ví dụ, ngành bán lẻ có tỷ lệ DN chịu tác động là 87,1%, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua tiếp xúc DN cũng cho thấy, 4 ngành công nghiệp trọng yếu cũng đang gặp khó khăn qua từng giai đoạn. Giai đoạn từ đầu năm đến hết tháng 4-2020, theo phản ánh của Hiệp hội DN TP và các hội ngành hàng, khó khăn chủ yếu là tình hình khan hiếm nguyên liệu; các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất; thị trường tiêu thụ bị thu hẹp…
Trước tình hình đó, Sở Công thương đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời tham mưu TP các đề xuất, kiến nghị với Trung ương. Ngành công thương hiện đóng góp khoảng 35,5% quy mô kinh tế của TP (trong đó, công nghiệp chiếm 20,8%, thương nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm 14,7%); số lượng DN chiếm 53,6% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho DN cũng là công tác trọng tâm của chúng tôi từ nay đến cuối năm 2020.
- Ông có thể điểm một vài chương trình hỗ trợ DN điển hình?
- Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi đang triển khai cùng lúc 2 nội dung: Một là, thường xuyên cập nhật, xác định nhu cầu cần hỗ trợ của DN. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận 511 trường hợp khó khăn; trong đó đã giải quyết theo đề nghị của DN là 57 trường hợp, 324 trường hợp đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại để xử lý, 101 trường hợp đang tư vấn, không đủ điều kiện để giải quyết là 29 trường hợp. Hai là, mở rộng thị trường trong nước, triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung; trong đó có chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn thành phố” và Chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020”.
Điểm nổi bật của các chương trình này là tổ chức kết hợp 2 kênh mua sắm truyền thống và thương mại điện tử; hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi lên tới 100%; DN được hỗ trợ 100% chi phí tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Riêng chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020”, được triển khai theo hình thức hội chợ với quy mô 500 gian hàng nhằm hỗ trợ DN TP đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN mở rộng thị trường, vào tháng 9-2020, TP sẽ tổ chức Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành, nhằm tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa TPHCM vào hệ thống phân phối các tỉnh thành và ngược lại.
- Ông đánh giá thế nào về cơ hội làm ăn của DN TPHCM, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong thời điểm hiện nay?
- Điểm lại thời gian qua, tôi thấy có 6 cơ hội, cũng như bài học kinh nghiệm cho cả DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Một là, tuy sản lượng công nghiệp giảm so cùng kỳ nhưng đó là sự phản ứng, điều tiết sản xuất của DN theo tín hiệu thị trường. Thực tế, sản lượng công nghiệp trong 5 tháng qua của các ngành chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu và đặc biệt là ngành sản xuất hàng điện tử vẫn tăng khá (tăng 11,8%). Điều đó đã góp phần đảm bảo cung - cầu hàng hóa trên thị trường, hạn chế tình trạng tồn kho cao do DN không nắm bắt nhu cầu thị trường, hoặc tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ mà trước đây chúng ta đã từng gặp phải.
Hai là, các DN ngày càng quan tâm phát triển thị trường trong nước, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng đầu năm vẫn duy trì tăng trưởng khá 8,4% so cùng kỳ. Điều này cho thấy, một mặt sức mua và khả năng tiêu dùng trong dân còn khá, mặt khác cho thấy, các DN Việt Nam đã ngày càng tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Ba là, thói quen, hành vi lựa chọn kênh mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi và kéo theo đó là sự thay đổi của hệ thống phân phối cho phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Qua khảo sát, mãi lực tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP trong 5 tháng đã tăng trên 10% so cùng kỳ. Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến, là cơ hội tốt để phát triển thương mại điện tử và cũng góp phần tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Lĩnh vực kinh doanh mua sắm trực tuyến cũng đang phát triển mạnh, doanh thu bán hàng qua internet (email và website) chiếm 42,1% trong tổng doanh thu của các DN; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thẻ thanh toán, chuyển khoản (không dùng tiền mặt) khi mua hàng đạt 30,8%. Các DN đã quan tâm đầu tư chiều sâu cho việc vận hành website thương mại điện tử; 33% DN đã xây dựng website độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Đây là các điểm sáng cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Bốn là, qua theo dõi tiếp xúc, tôi nhận thấy tính liên kết của DN ngày càng được phát huy. Cụ thể, liên kết giữa các DN sản xuất với nhau, giữa các DN sản xuất - nhà phân phối, giữa DN TPHCM với DN các tỉnh thành; sự tham gia của DN đối với các chương trình, chính sách hỗ trợ của TP ngày càng nhiều; các DN cũng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm là, cùng với xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất của các DN, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về Việt Nam, sẽ mang đến vừa cơ hội vừa thách thức; trong đó một số DN vừa và nhỏ của TP sẽ tận dụng được cơ hội trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này.
Cuối cùng, dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội cho các DN tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Về phía cơ quan nhà nước, đây cũng là dịp để tái cấu trúc các ngành kinh tế, trong đó TP cần xác định lại các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong giai đoạn tới 2021-2025 cần được định hướng phát triển, cũng như xác định lại vai trò hết sức quan trọng của thị trường bán lẻ.
Ông Phạm Thành Kiên nhấn mạnh, thời gian tới, cần hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt cho hệ thống kho, điểm trung chuyển hàng hóa của các sàn giao dịch thương mại điện tử quy mô lớn (như Tiki, Sen Đỏ, Lazada, Shopee), các DN chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận hàng trên địa bàn; tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ DN và sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của TP; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua việc xây dựng và triển khai Quy định về kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TPHCM giai đoạn 2021-2025… |