Khi lệnh mua của khách hàng đã khớp, CTCK sẽ trừ (phong tỏa) số tiền tương ứng trên tài khoản của khách. Tuy nhiên, phải đến ngày T+2 số tiền này mới được đem đi thanh toán bù trừ (tiền đi, CP về). Cũng từ điều này đã nảy sinh ra sản phẩm hỗ trợ đến ngày T+1.
Tiềm ẩn rủi ro
Khách hàng có thể đặt lệnh mua vào buổi sáng, khi tài khoản chưa có tiền, đến buổi chiều (T), hoặc ngày hôm sau (T+1) có thể nộp tiền vào tài khoản. Đối với những NĐT lướt sóng, đây là một hình thức hỗ trợ rất đắc lực. Thí dụ, NĐT A đang giữ CP B, B đang tăng giá. Nhưng hôm nay NĐT A quan sát và thấy CP C cũng có khả năng tăng giá nên quyết định mua vào nhưng không đủ tiền.
NĐT theo dõi giá CP. |
Lúc này bán ra B hơi uổng vì đà tăng vẫn tiếp tục, nếu được CTCK hỗ trợ NĐT A có thể mua thêm CP C và đợi thêm 1 ngày nữa để B tăng giá, có thêm được lợi nhuận, rồi mới bán ra, sau đó lấy tiền đắp vào lệnh mua C. Điểm băn khoăn ở đây là theo quy định, NĐT không được mua CP khi trên tài khoản không đủ tiền, tức CTCK không được cho NĐT mua chịu. Vậy tại sao vẫn có sản phẩm dạng này?
Theo lý giải của trưởng phòng môi giới một CTCK lớn, đây không phải là mua chịu hoặc NĐT không đủ tiền, mà do CTCK tự bỏ tiền của mình ra để hỗ trợ phần thiếu hụt đó. Có nghĩa, từ ngày T đến ngày T+1, coi như CTCK cho NĐT vay không tính lãi. Còn nhớ giai đoạn 2009-2010, một số NĐT VIP rỉ tai nhau về việc có CTCK sẵn sàng hỗ trợ khách VIP đến T+n.
Theo đó, khách VIP chỉ cần đặt lệnh mua (dù không đủ tiền), đến khi bán ra tính toán lời/lỗ, phí giao dịch rồi mới thanh toán với CTCK. Rủi ro nằm ở chỗ, sau khi NĐT mua vào, CP giảm giá mạnh, khả năng bỏ của chạy lấy người rất cao, CTCK phải gánh một lượng lớn CP và thua lỗ.
Thời điểm này, chắc không CTCK nào dám hoặc có đủ lực để liều như vậy, nên thời hạn thường chỉ đến T+1 là dừng và điều kiện cũng khắt khe hơn. Theo đó, khách hàng muốn được hưởng hỗ trợ thanh toán T+1 phải có một khoảng thời gian nhất định giao dịch tại CTCK, chứng tỏ uy tín của mình mới được hưởng tiện ích này.
Thoạt nhìn, cách thức triển khai có vẻ chặt chẽ hơn, nhưng thực ra vẫn tiềm ẩn rủi ro, bởi đây không phải là sản phẩm có tính phổ biến cao và ở chừng mực nào đó, vẫn còn nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau. Như vậy, một chính sách rõ ràng từ việc chọn lựa khách hàng, cho đến xử lý rủi ro cũng rất… vô chừng.
Vậy mà có CTCK đã phải “ôm” một lượng lớn CP do NĐT bỏ của chạy lấy người, lỗ hàng chục tỷ đồng, nhưng hiện nay vẫn triển khai hình thức hỗ trợ T+1. Tuy nhiên, không phải muốn chơi T+1 là tìm được đúng CTCK mình cần. Bởi lẽ, các CTCK lớn, hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ sẽ không muốn mạo hiểm với sản phẩm này.
Vì vậy, thường chỉ các CTCK nhỏ, dù vốn không lớn nhưng muốn có “nét riêng” mới hỗ trợ T+1. Bên cạnh đó, không phải NĐT nào cũng mặn mà đón nhận sự hỗ trợ này. Đối với NĐT không chuộng lướt sóng, thời gian nắm giữ CP tương đối dài, sức ép xoay vòng tiền không lớn, nên cũng không cần đến việc phải nhận sự hỗ trợ từ CTCK.
Tuy nhiên, vẫn có một số khách hàng dù không đến mức thiếu tiền, hay phải xoay tiền nhưng vẫn yêu cầu CTCK cho sử dụng T+1, với lý do muốn kiểm chứng dịch vụ của CTCK và được CTCK chăm sóc tận tình.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ khác
Hiện nay, dù nhiều CTCK không triển khai hỗ trợ thanh toán T+1, nhưng sản phẩm này cũng là “cảm hứng” để một số CTCK đưa ra các chính sách hỗ trợ khác, chẳng hạn việc chỉ tính lãi margin bắt đầu từ ngày T+2 trở đi. Như đã nói ở trên, phải đến ngày T+2 tiền mới được CTCK đưa đi thanh toán bù trừ, có nghĩa đến ngày này CTCK mới phải chi tiền thật sự của mình để hỗ trợ khách hàng.
Đối với khách hàng, nếu được hưởng chính sách cũng đồng nghĩa với việc tiết kiệm được 2 ngày trả lãi. Đặt trường hợp khách hàng mua ngày T, sử dụng margin, đến ngày T+3 tiến hành chốt lời, nếu được CTCK “free” margin trong ngày T và T+1, xem như cũng tiết giảm được một nửa chi phí lãi vay.
Trong thời điểm tìm kiếm lợi nhuận tương đối khó khăn trên TTCK, việc tiết giảm được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Trước đây, khi tính lãi margin, CTCK thường tính lãi ngay từ ngày T và như vậy có đến 2 ngày dù không bỏ tiền ra hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn thu được lãi. Vậy nên, việc chuyển qua tính lãi margin từ ngày T+2 có thể xem như bước tiến đáng kể trong việc chia sẻ chi phí với khách hàng trong giai đoạn khó khăn.
Hỗ trợ thanh toán, cấp margin vẫn đang là dịch vụ chủ lực để CTCK thu hút cũng như chăm sóc khách hàng. Trong bối cảnh thị trường càng có diễn biến thuận lợi, các CTCK càng phải suy nghĩ ra nhiều hình thức dịch vụ chuyên sâu, độc đáo hơn. Nhưng để có tính bền vững, các sản phẩm này phải dựa trên nền tảng quản trị rủi ro chặt chẽ và có tính chia sẻ với khách hàng.