Hàng “chất” giá bình dân
Ghi nhận tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10), các loại hoa kiểng đã rục rịch đổ về phục vụ nhu cầu người chơi tết sớm. Đào đông, tuyết mai đã có mặt tại chợ với giá bán từ 50.000-150.000 đồng/bó.
Trong khi đó, anh Văn Luân, chủ vựa trái cây tại quận Gò Vấp, chia sẻ, năm nay các loại dưa hấu khắc chữ, trái dừa mạ vàng đắp nổi sẽ được tung ra thị trường trước tết 10 ngày, với mức giá 350.000-600.000 đồng/cặp.
Các chậu bưởi lớn từ các tỉnh phía Bắc được nhà vườn đưa về TPHCM sẵn sàng phục vụ khách. Ảnh chụp chiều 18-1 trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Ảnh: THI HỒNG
Thông tin từ một số hộ kinh doanh tại TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, các sản phẩm bonsai, hoa kiểng nhỏ trưng bày trên bàn làm việc được nhiều doanh nghiệp đặt mua làm quà tặng nhân viên dịp tết với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi chậu.
Một doanh nghiệp chuyên về cây kiểng tại TP Thủ Đức tiết lộ, đã nhận được đơn tết lên tới hàng chục ngàn sản phẩm (kim ngân, kim tiền, lưỡi hổ, trúc phú quý…). Khách yêu cầu cây được trồng trong chậu trắng, có thắt nơ đỏ, mức giá từ 100.000-200.000 đồng/chậu.
Tại “thủ phủ” mai vàng của TPHCM (làng mai Bình Lợi, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh) những ngày này, các nhà vườn, nghệ nhân đang tất bật cho công việc tỉa cành, nhặt lá, dưỡng cây. Hiện tổng diện tích trồng mai của xã Bình Lợi khoảng 510ha, tăng khoảng 30% so với năm trước.
Ông Bùi Ngọc Đức (chủ vườn mai Hữu Đức) cho biết, năm nay ông đưa ra thị trường khoảng 1.000 cây mai, đồng thời cung cấp thêm gần 1.000 giống mai bonsai mini (loại nhỏ). “Giá bán mỗi chậu mai bonsai mini từ 300.000-400.000 đồng, trong khi các năm trước giá từ 500.000 đồng/chậu trở lên. Chúng tôi chủ động điều chỉnh giá bán để khách hàng dễ tiếp cận trong thời buổi kinh tế khó khăn”, ông Bùi Ngọc Đức nói.
Năm nay, một số nhà vườn tiếp tục nhân giống mai “siêu bông” Bình Lợi để đáp ứng thị hiếu. Ưu điểm của loại mai này có màu vàng đậm, mỗi bông hoa nở bung khoảng 7cm và lưu trên cây gần 1 tuần, khi nở tạo thành chùm lớn.
Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi, nhận định, năm nay kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên HTX giảm giá bán mai từ 20-30% so với những năm trước, để phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân.
Chờ sức mua
Rảo quanh một số nhà vườn, vựa hoa lẻ tại TPHCM ghi nhận những nơi này vẫn tiếp tục nhập thêm hàng, bổ sung các chậu kiểng đủ loại cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, sức mua thời điểm này còn chậm.
Dọc đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), nơi tập trung các vựa hoa kiểng “khủng” của TPHCM, lượng khách đến mua hoa kiểng chơi tết chưa nhiều. Trưa 19-1, lác đác khách hàng xem và dò giá bán tại vườn kiểng Minh Tân, Thanh Giang... Anh Vương Thiên Lân, người dân ngụ tại quận Tân Bình, cho biết, anh đã quyết định đặt mua một gốc bưởi Hưng Yên với giá 5 triệu đồng để chơi tết.
Chủ vườn kiểng Minh Tân (đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức) với chậu bưởi chuẩn bị bán tết
“Nhưng tôi không lấy liền mà để nhà vườn chăm sóc. Trước tết khoảng 1 tuần tôi mới đem về nhà”, anh Lân nói. Theo chủ vườn kiểng Minh Tân, nhiều khách bận rộn, không đến mua trực tiếp, mà xem trước các video sản phẩm rồi mới quyết định đặt hàng.
Với các mặt hàng lan kiểng (denro, hoàng hậu, vũ nữ…), giá bán cũng được duy trì ổn định, lượng hàng dồi dào. Anh Nguyễn Văn Song (vườn phong lan Ngọc Đan Vy, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) cho hay, hàng ngàn chậu lan vẫn đợi khách các tỉnh phía Nam cũng như khu vực ĐBSCL tiêu thụ, trong khi khách hàng ở các tỉnh xa hơn đã chốt đơn từ sớm.
Theo ông Trịnh Hoàng Quân (chủ vườn mai Hoàng Quân, TP Thủ Đức), nhiều khách hàng quyết định thuê cây với giá chỉ bằng 30%-50% giá mua đứt. Các chủ vườn dự đoán, khoảng 1 tuần nữa khách sẽ đến mua nhiều và càng tấp nập hơn khi người lao động được lãnh các khoản thưởng cuối năm…
Góp phần “kích hoạt” thị trường, đưa sản phẩm đến tận tay người mua, nhiều nhà vườn đã bán hàng trên mạng xã hội, nhằm tiết kiệm chi phí nhân lực, mặt bằng… Đây được xem là phương thức kinh doanh khả thi trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, hình thức kinh doanh truyền thống dần thay đổi.
Chủ vườn lan mong có cơ hội livestream bán hàng
Chiều 19-1, trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, chị Nguyễn Thị Thanh Dung (chủ vườn lan Thanh Dung, huyện Củ Chi, TPHCM) cho hay, so với cùng kỳ năm trước, sức mua sụt giảm khoảng 70%. Giá lan sỉ, loại chậu lớn bán tại vườn cho thương lái ở mức 80.000-250.000 đồng/chậu, nhưng vẫn ít khách.
“Giá cả không tăng, vắng khách, trong khi giờ này các năm trước khách ra vô nườm nượp. Tôi theo dõi thông tin trên báo chí, truyền thông thấy các tiểu thương TPHCM được hỗ trợ livestream bán hàng nhộn nhịp, khá hiệu quả. Giờ ế ẩm thế này, nếu được hỗ trợ bán trực tuyến thì hay quá, vì tôi không rành công nghệ”, chị Thanh Dung đề xuất.
Trong khi đó, bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền (Giám đốc Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại, huyện Củ Chi), chia sẻ, thời điểm hiện tại… khách vắng hoe mặc dù giá bán sỉ khá mềm, khoảng 80.000 đồng/cây, giảm khoảng 20.000 đồng mỗi cây so với trước. Bà Thanh Huyền kỳ vọng vài ngày nữa sức mua sẽ khởi sắc hơn để bà con nông dân đón một vụ tết “tươi” hơn.