Các công ty Hoa Kỳ đang di dời hoạt động sản xuất về lại trong nước từ các cơ sở ở hải ngoại. Xu hướng này ước tính có thể giúp nền kinh tế số một hành tinh tạo ra 2-3 triệu lao động và đóng góp hơn 20 tỷ USD vào năm 2015.
Khách tham quan Clyde được chào đón với quang cảnh một tháp nước nổi bật trên một vùng đất bằng phẳng, trên có logo lớn của Whirlpool. Rõ ràng tháp nước là biểu tượng trái tim kinh tế của thị trấn nhỏ bang Ohio.
Nhà máy sản xuất máy giặt rộng 232.000m2 chiếm cứ một khu vực rộng lớn ở thị trấn. Trong nhà máy, hơn 3.000 công nhân (1/2 dân số thị trấn) đang bận rộn làm việc. Đây là nhà máy máy giặt lớn nhất thế giới, với hệ thống dây chuyền dài tới 50km.
Các ngành sản xuất Hoa Kỳ mất hơn 2 triệu việc làm trong cuộc suy thoái kinh tế vừa qua. Nhưng kể từ sau khủng hoảng, sản xuất là lĩnh vực mang lại động lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi tuyển dụng hơn 500.000 việc làm.
Trong khi hầu hết tăng trưởng việc làm có thể là sự dồn nén nhu cầu sau khủng hoảng, nhưng đó không phải là câu chuyện duy nhất. Theo Reshoring Initiative, một nhóm các công ty và hiệp hội đang nỗ lực lôi kéo việc làm trong lĩnh vực sản xuất về lại Hoa Kỳ, khoảng 10% tăng trưởng việc làm nói trên (50.000 việc làm) là nhờ các công ty chuyển nhà máy từ nước ngoài về lại trong nước.
Tháng 3-2012, CEO General Electric (GE) Jeffrey Immelt viết trong một bài báo trên Harvard Business Review cho biết GE có kế hoạch tuyển thêm 1.000 lao động sản xuất tại cụm nhà máy của công ty ở Louisville, Kentucky (Hoa Kỳ). GE từng cố bán đi cụm nhà máy này chỉ vài năm sau suy thoái. “Chúng tôi có thể mang hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ và vẫn có lợi nhuận” - ông Immelt nói.
Thị trấn Clyde phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất của Nhà máy Whirlpool. |
Có nhiều lý do để các công ty Hoa Kỳ quay trở lại các nhà máy trong nước. Thứ nhất, giá nhân công ở nước ngoài đã tăng lên, cộng với giá khí đốt tự nhiên rẻ, trong khi người lao động Hoa Kỳ nay sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn đã giúp các công ty cảm thấy thị trường trong nước dễ thở hơn, tạo tiền đề cho việc quay lại sản xuất ở Hoa Kỳ.
Hơn nữa, người Hoa Kỳ đang có sự thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng thích có sản phẩm ngay lập tức, cùng với nhiều điểm khác, vì vậy sẽ tiện lợi hơn nếu cơ sở sản xuất ở gần người tiêu dùng, theo ông Jeff Noel, Phó Chủ tịch Whirlpool. Cuối cùng, các nhà máy mới với những công nghệ tự động hóa nhiều hơn đòi hỏi lực lượng lao động trình độ cao hơn, và đó là một lợi thế của thị trường lao động Hoa Kỳ. Song song đó, chi phí tự động hóa hầu như ngang nhau ở cả nước ngoài hay trong nước.
Với tất cả những yếu tố này, ước tính đến năm 2015 sẽ có đông đảo công ty Hoa Kỳ quay trở lại các nhà máy trong nước, theo hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường Boston Consulting Group. Sự quay lại ước tính có thể tạo ra 2-3 triệu lao động và đóng góp hơn 20 tỷ USD sản lượng cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nhưng 2015 vẫn là tương lai xa, và nhiều người vẫn hoài nghi. “Những dữ liệu tốt nhất cũng không chứng minh hoạt động sản xuất đang quay lại từ hải ngoại” - theo chuyên gia hoạt động sản xuất Alan Tonelson của Hội đồng Kinh doanh và Công nghiệp Hoa Kỳ.
“Với những làn gió ngược từ châu Âu, những đấu đá chính trị ở Washinton và chính sách mậu dịch Hoa Kỳ vẫn khuyến khích sản xuất ở nước ngoài, sự tăng trưởng việc làm trong ngành sản xuất sẽ chậm lại. Và thậm chí, nếu tất cả những yếu tố bất lợi không còn, ngành sản xuất cũng khó có thể phục hồi tuyển dụng hơn 8 triệu lao động đã bị mất kể từ cuối những năm 1970”.