Nhắc tới thi sĩ Hoài Vũ, có lẽ bất cứ trong lòng ai cũng vang lên những câu thơ quen thuộc được chắp cánh bởi âm nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục.
Đã có nhiều bài viết, nghiên cứu về thơ Hoài Vũ. Bằng một góc nhìn khác, tôi muốn khởi đầu từ đóng góp quan trọng nữa của ông là dịch văn học Trung Quốc, cụ thể qua truyện dài Loạn luân.
1. Là họa sĩ tài ba, Trữ Ngọc còn làm thơ, nghiên cứu văn học, lịch sử Trung Quốc. Tranh của ông bán rất chạy, được ái mộ trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên cuộc sống gia đình của ông lại đầy bi kịch. Vợ của ông vốn là sếp trực tiếp ở Viện Văn sử, đã lừa ông lên giường ngủ rồi buộc phải lấy bà, hạ sinh người con trai bị tâm thần.
Có cô gái trẻ tên Tuyết Lệ bị đi cải tạo lao động vùng rừng núi xa, bị quản giáo cưỡng hiếp phải trốn về thành phố. Để yên thân cô buộc phải làm vợ chàng trai điên loạn theo âm mưu sắp đặt của bà vợ Trữ Ngọc.
Dù vậy, cô không bao giờ chịu cho người chồng tâm thần mình không yêu chiếm đoạt thân xác, dù mẹ chồng và chồng chửi bới đánh đập tàn nhẫn. Những lúc ấy cô chỉ biết khóc than cầu cứu Trữ Ngọc nhưng ông hoàn toàn bất lực.
Không thể mãi chịu đựng bà vợ vô nhân tính, Trữ Ngọc ly thân vợ ra ở riêng trong căn hộ nhỏ tập thể. Tuyết Lệ cũng cố vượt thoát sự đè nén của mẹ chồng và người chồng hung bạo, trốn tìm đến nương tựa Trữ Ngọc. Bà vợ cho người đến đập phá nhà và bắt Trữ Ngọc bỏ tù. Tuyết Lệ may mắn trốn thoát.
Vì không thể kết tội nên chính quyền buộc phải thả Trữ Ngọc, còn Tuyết Lệ sau khi ra tòa ly dị người chồng điên loạn lại quay về với ông. Danh phận cha chồng nàng dâu không ngăn được hai con người đau khổ đến với nhau. Mặc cho thiên hạ xì xào loạn luân, tình yêu mãnh liệt đã giúp Trữ Ngọc trẻ lại, đầy cảm hứng sáng tác. Hàng ngày ông dạy Tuyết Lệ vẽ tranh. Còn cô hết mực yêu thương chăm sóc ông chu đáo.
Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, Trữ Ngọc qua đời vì bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bà vợ lại kéo lưu manh đến quậy phá, đốt sạch tranh. Tuyết Lệ trốn chạy về phương nam, tiếp tục theo đuổi con đường hội họa. Một thời gian sau cô tổ chức cuộc triển lãm tranh mang tên Trữ Ngọc. Thể xác hóa hư vô nhưng tinh anh và tên tuổi danh họa vẫn lưu lại trên cõi đời, cho dẫu những bức tranh kia không hẳn do Trữ Ngọc vẽ…
Đó là tóm tắt truyện dài Loạn luân của nhà văn Lỗ Nhan Châu (Trung Quốc) do nhà thơ Hoài Vũ dịch sang tiếng Việt. Không chỉ ở cốt truyện và thông điệp của tác giả, sự hấp dẫn còn ở cách chuyển ngữ, hành văn, ứng xử với từng chi tiết, con chữ của dịch giả. Nếu không phải nhà thơ, Hoài Vũ khó chuyển ngữ một cách mượt mà, uyển chuyển, quyến rũ người đọc như vậy.
2. Nhìn lại nền văn học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, từ khi đất nước còn chìm trong lửa đạn chiến tranh, Hoài Vũ có vị thế riêng biệt, đặc biệt là thi ca. Tay súng tay bút ông luôn bám sát chiến trường Nam bộ kịp thời cho ra đời những bài thơ, truyện ngắn, bút ký thời sự nóng hổi.
Sang thời bình, ngoài công việc làm báo, sáng tác ông còn đóng góp đáng kể về mảng dịch thuật văn học Trung Quốc hiện đại. Dù thời chiến hay thời bình, dù sáng tác hay chuyển ngữ, trang viết của Hoài Vũ luôn trào dâng cảm xúc, thấm đẫm tinh thần yêu nước và nhân văn, với một diễn ngôn giản dị mà cuốn hút, dễ đi vào lòng người và neo lại bền lâu.
Tên thật là Nguyễn Đình Vọng, nhà thơ Hoài Vũ sinh trưởng ở Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp gắn bó với Nam bộ, đặc biệt là vùng đất Long An, vành đai Sài Gòn và miền Đông Nam bộ. Thực tế đời sống chiến trường sinh tử khắc nghiệt của đất phương Nam đã mang lại cho Hoài Vũ nhiều chất liệu quý giá.
Dù viết bất cứ thể loại nào, từ thơ đến truyện ngắn, bút ký, văn phong của Hoài Vũ cũng luôn giản dị, tươi trẻ, nhân bản, tha thiết tình yêu đời yêu người như chính con người ông hiền lành, nhân hậu, chân thành và năng động.
Bất cứ ở đâu, nhắc tới nhà thơ Hoài Vũ, người mến mộ nhớ ngay tới những bài thơ tình phổ nhạc nổi tiếng như: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Chia tay hoàng hôn…
Đành rằng nhờ âm nhạc chắp cánh thơ có sức lan tỏa rộng rãi hơn, nhưng các bài thơ của Hoài Vũ đứng độc lập vẫn có giá trị riêng biệt, như hương tràm lặng lẽ kết nối những tâm hồn đồng điệu: “Dù đi đâu dù xa cách bao lâu/ Dù gió mây kia đổi hướng thay màu/ Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau” (Đi trong hương tràm)
Mảnh đất Nam bộ, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông đã trở thành biểu tượng trong tác phẩm của Hoài Vũ, dệt nên nhiều giai thoại xúc động và những mối tình lãng mạn: “Anh ở đầu sông em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!”.
Bài thơ Anh ở đầu sông em cuối sông được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Một lần thi sĩ Lưu Trọng Lư ngồi nghe ca sĩ Lê Dung hát, ông đã rơi nước mắt và nhẩm hát theo: “Ôi bát ngát chân trời miền Hạ/ Tím tình yêu tím cả ước mong/ Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng”. Tác giả của Tiếng thu yêu lời thơ Hoài Vũ vì ông có người con trai là liệt sĩ Lưu Trọng Nông đã hy sinh ở ven sông Vàm Cỏ Đông.
Bên cạnh thơ, Hoài Vũ còn là cây bút truyện ngắn và bút ký rất có duyên, đặc biệt là các tác phẩm ông viết về chiến tranh và hậu chiến. Những truyện ngắn như Người Sài Gòn, Bông sứ trắng, Bông huệ trắng, Gái thời chiến, Cánh én trên Vườm Thơm, Tiếng sáo trúc... của Hoài Vũ từng gây tiếng vang một thời, đến nay đọc lại vẫn xúc động.
Và những bút ký của ông như Gái Lương Hòa, Làng hầm, Nữ pháo binh thành phố, Vàm Cỏ Tây dậy sóng, Biển lúa xanh trên vùng trắng, Đồng bằng đỏ lửa... là những trang viết đầy ắp cảm xúc, mang giá trị tư liệu quý về những tấm gương chiến đấu hy sinh ở đất phương Nam vì nền độc lập tự do thống nhất Tổ quốc.
Đầu tháng 7-2023, Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình “Thơ Hoài Vũ - Thì thầm với dòng sông”. Tại chương trình nhiều ý kiến đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành các thủ tục để Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho ông.