Hoãn phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm

(ĐTTCO) - Ngày 10-3, theo nguồn tin của phóng viên báo SGGP, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm ngày ngày 11-3 bị hoãn.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND Cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vào chiều 11-3, để xem xét kháng cáo của Đặng Anh Quân (TS luật, cựu giảng viên ĐH), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng truyền thông Công ty Đại Nam) xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, 2 người khác có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng có kháng cáo.

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm tại phiên tòa tháng 9-2023

Tuy nhiên, trước khi phiên tòa được mở, 3 bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân (đều đang được tại ngoại) có đơn xin hoãn phiên tòa. Yêu cầu này đã được TAND Cấp cao tại TPHCM chấp thuận.

Trước đó, ngày 21-9-2023, TAND TPHCM xử sơ thẩm các bị cáo về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo quy định tại Điều 331 BLHS. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; Đặng Anh Quân 30 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng 18 tháng tù.

HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, từ tháng 3-2021 đến tháng 3-2022, bà Hằng sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà quản lý, thực hiện nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp trên mạng Internet có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng của 10 cá nhân.

Các bị cáo Nhi, Hà và Tân đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, chuẩn bị nội dung… từ đó đã cấu thành hành vi đồng phạm. Bị cáo Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream, cổ vũ tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quân cho rằng, livestream cùng bà Hằng là để phản biện những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật tới người nghe… Đại diện Viện KSND TPHCM tranh luận, cho rằng, bị cáo phản biện vấn đề xã hội nhưng lại không phản biện đối với bị cáo Hằng. HĐXX cũng đồng tình với các lập luận của đại diện VKS.

Trong vụ án này, bị cáo Hằng (Tổng giám đốc Công ty Đại Nam) không kháng cáo, chấp nhận mức án sơ thẩm đã tuyên và cũng đã có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Bà Hằng bị bắt giam ngày 24-3-2022, tính đến nay đã gần 2 năm.

Các tin khác