Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các ĐBQH ngày 13-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Trọn ngày 13-6, Quốc hội sẽ thảo luận về nội dung này, phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Ngay đầu giờ sáng đã có 90 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký phát biểu thảo luận. Hầu hết các ĐBQH đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.
Chỉ nên hoãn tăng lương ngắn hạn
Đáng chú ý, một số ý kiến đề cập đến việc hoãn tăng lương (vừa qua, Chính phủ đề nghị lùi thời gian tăng lương cơ sở từ ngày 1-7, dự kiến tăng 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng). Chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức nhưng ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ. Đa số người hưởng lương từ ngân sách chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của người dân, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Do đó, giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách Nhà nước.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) ủng hộ việc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu, dù quyết định đó ảnh hưởng tới thu nhập của hàng triệu người dân nhưng đây là sự hy sinh cần thiết. Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, chưa tăng mức lương cơ sở để dành nguồn lực cho những mục tiêu cấp bách khác. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tác động của vấn đề này và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở sẽ kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra được là bao nhiêu và sẽ sử dụng vào những mục tiêu nào. Cần xem nguồn lực này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, song chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Chính phủ cũng cần có chính sách khác phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn, người hưởng lương hưu.
Lo phát sinh nhiều vấn đề khó khăn sau đại dịch Covid-19
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) bày tỏ lo lắng trước tình hình an ninh trật tự khi nhắc tới sự việc 200 thanh niên mặc áo khoác màu cam, cầm hung khí đi xe máy thành đoàn ập vào quán nhậu ở quận Bình Tân (TPHCM) đập phá, đánh người bị thương (xảy ra ngày 5-6 vừa qua). Đây là vụ việc điển hình cho thấy tình hình tội phạm diễn biến phức tạp sau dịch Covid-19, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần có ngay giải pháp quyết liệt với tình trạng này.
Còn ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, sau giãn cách xã hội, tình trạng người dân tham gia giao thông, uống rượu bia có chiều hướng gia tăng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm, đặc biệt là các hành vi lái xe khi có nồng độ cồn. Có thể thiết lập chốt chặn gần các quán nhậu hoặc đầu các tuyến cao tốc. ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, hiện giá thịt heo vẫn còn cao, do vậy Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, đưa ra gói hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại tái đàn heo, tránh việc phải nhập khẩu khối lượng lớn thịt từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, các ĐB cũng cho rằng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng phải được các bộ ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, tăng cường thanh tra, giám sát công tác chi trả này, tránh tình trạng “bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo" như ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) lo ngại.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội chỉ ra bức xúc khi ở một số địa phương, cán bộ chính quyền cơ sở trục lợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nghĩ đủ mánh khoé để trục lợi trên số tiền hỗ trợ cho người dân. Do đó, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho dân cũng như gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay, lãi suất 0% để trả lương người lao động phải được kiểm soát để tránh tiêu cực.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng nhìn nhận, ảnh hưởng của dịch khiến các ngành bị đình trệ, nhưng nông nghiệp lại trở thành ngành “cứu cánh”. Trong khi đó, cả nước có 12.000 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nhưng mức độ quan tâm đầu tư vẫn còn thấp. Chính phủ cần tích cực thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực này, bỏ bớt các rào cản thủ tục, các chính sách ưu đãi về tín dụng.
ĐB Phạm Đình Toản (Hưng Yên) đề cập, vấn đề nguồn thu ngân sách Nhà nước bị giảm trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, cần tích cực thanh tra, kiểm tra, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, tài sản công, chống thất thu. Đặt mục tiêu tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%. Chính phủ cần có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, kể cả từ năm 2019 chuyển sang, thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.
Còn ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, thời kỳ hậu Covid-19 chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu cú sốc lớn, không ít phải dừng hoạt động. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. ĐB đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có thêm các chính sách, các gói cho vay với ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn. Cùng với đó, cần có thêm ưu đãi gia hạn các khoản nợ, giảm lãi các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả…