Công việc đã hoàn thành thuận lợi và thành công nhờ sự hỗ trợ tích cực giữa đội ngũ quản lý do Sở Văn hóa tỉnh Quảng Nam triển khai và các chuyên gia của Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và trùng tu các di sản phong phú được chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đánh giá cao và kỳ vọng vào những hợp tác tiếp theo trong tương lai, thông cáo của Đại sứ quán Ấn Độ nêu rõ.
Trước đó, Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về bảo tồn và trùng tu Di sản Thế giới tại Mỹ Sơn vào năm 2014.
Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ, một tổ chức hàng đầu của chính phủ về khảo cổ học và bảo vệ di sản, được giao nhiệm vụ bảo tồn và trùng tu các đền tháp A, H và K tại thánh địa Mỹ Sơn.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Bộ VH-TT-DL, Cục Khảo cổ học Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ đã tham dự buổi lễ đánh dấu việc hoàn thành và bàn giao công trình. Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam |
Sau khi phê duyệt các báo cáo dự án chi tiết do Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ chuẩn bị, Chính phủ Ấn Độ đã cử một nhóm chuyên gia đến hiện trường từ năm 2017 đến năm 2022 để đảm nhận các công việc bảo tồn và trùng tu Nhóm đền tháp A, H và K theo phương pháp và công tác rà soát cẩn thận cùng các kỹ thuật trùng tu riêng biệt cho dự án này.
Đến tháng 12-2022, công việc bảo tồn và trùng tu đã kết thúc thành công với sự tham vấn của Ban Quản lý Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam và đã được Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, Chính phủ Ấn Độ và Trụ sở của Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ tại New Delhi xem xét.
Theo Đại sứ quán Ấn Độ, công việc bảo tồn và trùng tu tại nhóm đền tháp A là phức tạp nhất trong số ba nhóm đền tháp và bắt đầu từ năm 2020.
Sau khi điều tra, khảo sát và lập tài liệu về cấu trúc, nhóm chuyên gia khảo cổ đã tiến hành làm sạch bề mặt ban đầu để giúp đánh giá các hư hỏng của khu vực tường. Lớp vữa mục nát sau đó được loại bỏ cẩn thận, các lớp gạch được nghiên cứu và các vết nứt được gắn lại đúng cách.
Tất cả các vật liệu lỏng lẻo đã được loại bỏ bằng bàn chải sắt và bề mặt được làm ướt. Gạch được đặt trên lớp vữa một cách tinh tế và cố định bằng cách ấn nhẹ bằng cán bay và búa nhựa.
Trong quá trình bảo tồn bên trong ngôi đền A10, các chuyên gia đã phát hiện một đài thờ Shiva Linga nguyên vẹn còn được lưu trữ và ở khu vực trong cùng của ngôi đền A13 các chuyên gia còn tìm thêm được tượng thần Shiva và Yoni Pitha. Tất cả những cấu trúc này đã được khôi phục để bảo tồn di sản độc đáo này.
Thánh địa Mỹ Sơn và quần thể kiến trúc đáng chú ý của nó có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13 sau Công nguyên, nằm ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Di sản này thể hiện một bức tranh sống động về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và sự giao thoa với Ấn Độ.
Di sản này đã được công nhận là Di sản Quốc gia vào năm 1979. Năm 1999, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã công nhận địa điểm này là di sản thế giới.