Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào ngày càng nhiều; Việt Nam đã tự do hóa giao dịch vãng lai và từng bước tự do hóa các giao dịch vốn nên mức độ kiểm soát đối với các giao dịch chuyển tiền quốc tế đã được nới lỏng hơn; Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cá nhân phải minh bạch tài sản nên nhu cầu về hợp pháp hóa tiền, tài sản bất hợp pháp nhiều…
Những thực tế đó đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền, trong bối cảnh Nghị định 74 về phòng, chống rửa tiền đang bộc lộ những bất cập.
Việc luật hóa các quy định hiện hành sẽ tạo ra cơ chế pháp lý mới, đồng bộ và hiệu quả cho hoạt động phòng, chống rửa tiền, để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trước xã hội trong việc giảm thiểu rủi ro rửa tiền và đấu tranh chống loại tội phạm này.
Báo cáo thẩm tra về dự án luật này cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự luật có nhiều điều cần phải làm rõ. Chẳng hạn, tuy cùng là “rửa tiền”, nhưng Bộ luật Hình sự quy định về “tội rửa tiền” gồm các hành vi có mức độ nguy hiểm cho xã hội.
Trong khi dự thảo luật quy định thêm những hành vi khác chưa đến mức tội phạm, cũng như chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự. Ngoài ra, dự án luật cũng không quy định cụ thể, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc giao dịch “có giá trị lớn”. Tiêu chí này cần được cân nhắc.
Bởi có trường hợp giao dịch với giá trị lớn không hẳn đã là rửa tiền. Ngược lại có trường hợp giao dịch với giá trị nhỏ nhưng thực chất là rửa tiền.
Mặt khác nếu quy định tiêu chí “giá trị lớn”, khách hàng sẽ lách bằng cách chia tài sản có giá trị lớn ra thành nhiều khoản nhỏ để giao dịch, khi đó việc phòng, chống rửa tiền có thể sẽ bỏ sót các hành vi này.
Theo nhận định của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc (UNODC), Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng.
Cơ quan này cảnh báo nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó tệ nạn rửa tiền, tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng, sự vận hành hợp pháp của lĩnh vực tài chính tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Một thực tế nhức nhối hiện nay là tình trạng trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, các vụ đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng.
Các đối tượng hưởng lợi cũng đã rửa tiền thông qua các hoạt động hợp pháp như gửi tiền vào NH, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, một số khác chuyển tiền gửi tại các NH ở nước ngoài…
Đặc biệt, bất động sản và chứng khoán là hai thị trường có tốc độ phát triển rất khó dự đoán, dễ đi từ trạng thái phát triển nóng chuyển sang đóng băng. Thực tế đã có một luồng tiền rất lớn đổ vào 2 thị trường này nhưng việc kiểm tra nguồn gốc của nó không được quan tâm đúng mức.
Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam, với thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã gây khó khăn cho việc quản lý lượng tiền lưu thông, tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền dễ dàng hoạt động. Cần biết rằng nguồn gốc chính của các khoản tiền bất hợp pháp tại Việt Nam là do lừa đảo, đánh bạc, buôn bán ma túy... mà có.
Do đó việc chủ yếu sử dụng tiền mặt trong thanh toán đang tạo nên những khó khăn trong kiểm soát luồng tiền bất hợp pháp này. Trong khi đó, nhân viên của các NH không được đào tạo bài bản về cách nhận biết khách hàng và các tổ chức tín dụng, chưa được tiếp cận với các công nghệ, máy móc giúp chọn lọc khách hàng.
Rõ ràng việc phòng, chống rửa tiền ở nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện công tác này có hiệu quả, các cơ quan quản lý cần tập trung vào các phương thức và xu hướng rửa tiền chủ yếu, như rửa tiền qua các giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt; rửa tiền trong lĩnh vực kim loại quý và đá quý…
Trong đó, đặc biệt lưu ý phương thức rửa tiền phổ biến nhất là thông qua các hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp, bất động sản, kinh doanh chứng khoán và giao dịch các dịch vụ NH.
Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành, sẽ cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng tạo thành hệ thống pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.