Đáng giật mình hơn, các loại nấm có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được thay đổi bao bì để xuất hiện trên kệ hàng của siêu thị Bách Hóa Xanh với cam kết “tươi ngon từ nông trại đến bàn ăn”.
Lâu nay, rau củ vẫn là loại thực phẩm khiến khách hàng luôn e ngại, nhưng vẫn chưa có cách nào để thực sự làm “người tiêu dùng thông minh”, ngoài cách trả tiền cao hơn rau ngoài chợ để mua rau trong siêu thị. Thế nhưng, khi những siêu thị cũng nhập rau chợ để bán, khách hàng gần như không còn khả năng tự bảo vệ túi tiền và sức khỏe bản thân. Khi rau chợ biến thành rau sạch trong siêu thị mọi lời biện minh đều vô nghĩa.
Ở đây, không thể phủ nhận trách nhiệm của các siêu thị. Đành rằng, những đại gia khi mở siêu thị chỉ chú trọng đến yếu tố thương mại, nhưng không thể không có trách nhiệm với cộng đồng và với thương hiệu của mình. Nếu không có hoặc chưa có khả năng xây dựng vùng nguyên liệu rau sạch, ít nhất các siêu thị cũng phải thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng rau sạch một cách bài bản.
Khái niệm “rau sạch” và “rau an toàn” đã có mặt trong đời sống khi căn bệnh ung thư phổ biến như một gánh nặng xã hội. “Rau sạch” và “rau an toàn” khác nhau, nhưng chưa được hiểu đúng. “Rau an toàn” là rau phải đảm bảo mức độ an toàn từ khâu sản xuất tới khi được đưa vào cơ thể, nên “rau an toàn” có vị trí cao hơn “rau sạch”. Bây giờ, muốn có rau an toàn để ăn mỗi ngày phải tự tay mà trồng. Còn rau bán trên thị trường, đạt được tầm “rau sạch” đã đáng mừng.
Người tiêu dùng có thể phân biệt rau sạch bằng cách dựa vào hình dáng bên ngoài và dựa vào cảm nhận khi cầm trên tay. Với hình dáng bên ngoài, các loại rau xanh thường có màu xanh mát, không bị dập úng, trầy xước hay nát, lá rau xanh tươi và còn nguyên vẹn. Với cảm nhận khi cầm trên tay, các loại rau lá khi cầm thường có cảm giác giòn, không bị héo úa và quá mềm, lá rau và cuống rau không bị thâm đen, không có mùi lạ của hóa chất. Lý thuyết là vậy, nhưng chẳng ai đủ kiên nhẫn và đủ điều kiện để chọn lựa khi mua rau, đành trông đợi vào cái nhãn VietGAP “tiêu chuẩn thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”.
Giấy chứng nhận VietGAP hiện có hơn 40 đơn vị được cấp cho các nhà sản xuất, gồm 12 đơn vị do Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT quản lý và 30 đơn vị do Cục Quản lý chất lượng Bộ Khoa học - Công nghệ quản lý. Giấy chứng nhận VietGAP có dễ cấp như mua rau không? Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết: “Chỉ cấp giấy chứng nhận nếu phù hợp, không có chuyện bỏ tiền ra mua. Phải đủ điều kiện theo Nghị định 107 mới được cấp. Nếu các tổ chức được cấp quyết định công nhận sự phù hợp VietGAP mà cấp không đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn VietGAP sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…”.
Thế nhưng, sau khi dư luận phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua “rau an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế là rau gom ở chợ đầu mối và dán nhãn VietGAP, nhiều tổ chức có trách nhiệm đã tỏ ra ngạc nhiên và vội vàng triển khai hành động. Chẳng hạn, Cục Quản lý thị trường TPHCM yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các đội khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt lực lượng của Ban Quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.
Trong khi đó, các siêu thị dùng những ngôn từ mạnh mẽ để khẳng định sự vô can của họ. Trước mặt hàng nấm có xuất xứ từ Trung Quốc được “hô biến” thành sản phẩm Việt Nam bán trong các cửa hàng, những người điều hành siêu thị Bách Hóa Xanh gửi lời xin lỗi tới các khách hàng khá nhẹ nhàng: “Tôn chỉ của Bách Hóa Xanh là tuân thủ đầy đủ quy định về xuất xứ hàng hóa và đảm bảo sự minh bạch nguồn gốc hàng hóa với khách hàng. Qua sự việc này, Bách Hóa Xanh nhận thấy trách nhiệm và sự cần thiết trong việc phải làm tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa việc kiểm soát tốt nguồn gốc và chất lượng hàng hóa”.
Rau sạch thực sự là ẩn số trong bài toán giải quyết an toàn vệ sinh thực phẩm cho người Việt Nam trong nhịp sống hiện đại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi ngày có hàng ngàn người trên thế giới bị chết từ những bệnh do thực phẩm sinh ra mà có thể phòng tránh được. Bệnh do thực phẩm gây ra đang là vấn nạn ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Điều này làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ nhỏ, người già và người bệnh. Các loại bệnh do thực phẩm gây ra còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và phát triển của quốc gia và thương mại quốc tế.
Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Do vậy, việc tuân thủ các bước an toàn vệ sinh thực phẩm có thể phòng tránh phần lớn các bệnh do thực phẩm gây nên. Tuy nhiên, dù người tiêu dùng cẩn thận rửa sạch rau, củ dưới vòi nước chảy như ý kiến tư vấn của các chuyên gia, cũng không dám chắc thứ rau mình mua được là rau sạch.
Tìm rau sạch có quá khó? Rất khó, khi lòng tham của con người đang sôi sục từ phố xá chen chúc đến làng quê yên bình. Rau sạch phải đáp ứng được các yếu tố đất, nước, khí hậu không bị ô nhiễm. Rau sạch phải được gieo trồng chính vụ, canh tác đúng quy trình và không dùng giống đã biến đổi gen. Ngoài ra, rau sạch còn phải được thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến hợp lý.
Các nhà khoa học phân tích, rau sạch phải hội đủ 3 tiêu chí: Không có vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, không có đất cát và không có hóa chất hay chất bảo quản thực phẩm. 2 tiêu chí đầu tiên dễ đáp ứng, nhưng tiêu chí thứ 3 cực khó. Nếu rau có vi khuẩn hoặc ký sinh trùng sẽ gây tiêu chảy cấp tính rất dễ phát hiện. Nhưng nếu rau có tồn dư thuốc trừ sâu diệt cỏ lượng thấp sẽ không gây ngộ độc cấp nên người tiêu dùng khó thể phát hiện ra, và việc tích lũy lâu dài có thể làm tăng nguy cơ gây căn bệnh ung thư và các bệnh tật khác…