Thành phố mới (TPM) Bình Dương được xây dựng từ năm 2010 với mục tiêu trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, khoa học giáo dục tầm cỡ của khu vực và quốc tế. Thế nhưng, sau 5 năm nơi đây vẫn chưa thể thu hút người dân đến sinh sống và làm việc. Hàng trăm dự án BĐS cũng rơi vào tình trạng hoang vắng.
Miền đất hứa
TPM Bình Dương có quy mô 1.000ha, nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, xã Định Hòa (thị xã Thủ Dầu Một), xã Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên) và xã Hòa Lợi (Bến Cát). Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho TPM Bình Dương đến năm 2020 hơn 150.000 tỷ đồng.
TPM nằm trong dự án Khu liên hiệp Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị Bình Dương có tổng diện tích gần 4.200ha. Trong đó, diện tích quy hoạch dành cho lĩnh vực phát triển công nghiệp sạch 2.000ha, đô thị cao cấp 1.000ha, còn lại là các lĩnh vực dịch vụ, thương mại cao cấp.
TPM Bình Dương bao gồm các hạng mục: trung tâm chính trị - hành chính tập trung, khu công nghệ kỹ thuật cao do Tập đoàn Mapletree (Singapore) đầu tư; Trường Đại học quốc tế Miền Đông, Trường quốc tế do Tập đoàn giáo dục Kinderworld đầu tư; trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng, văn phòng làm việc loại A, khu nhà ở cao cấp phục vụ 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.
Chỉ tay về chiếc xe buýt chậm rãi lăn bánh qua khu hành chính, một cán bộ đang công tác tại Bình Dương, cho biết tuyến xe buýt đã kiên trì chạy gần như không khách hơn 1 năm qua với nỗ lực giúp TPM phát triển. |
Sau 5 năm xây dựng, hạ tầng giao thông nơi đây được đầu tư rất bài bản, đẹp, rộng và thông thoáng với hàng chục con đường tạo lực kết nối với các khu đô thị sầm uất xung quanh.
Các công trình chợ, siêu thị, trường tiểu học, đại học mang tầm quốc tế, hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị, văn phòng… cũng mọc lên khá nhiều để phục vụ cho những cư dân mới của TP. Nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc, xem TPM Bình Dương là điểm đến đầu tư hấp dẫn và mạnh dạn rót vốn vào đây hàng tỷ USD.
Tiêu biểu như, Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã đầu tư 400 triệu USD xây dựng khu công nghệ kỹ thuật cao trên diện tích 75ha. Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương.
Đặc biệt, tòa tháp đôi 21 tầng - Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương đã đi vào hoạt động vào tháng 2-2014, với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, còn tạo nên điểm nhấn nâng tầm TPM Bình Dương. Trung tâm hành chính hiện đại bậc nhất cả nước này là nơi làm việc tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và hầu hết sở, ngành của tỉnh Bình Dương.
Người dân và doanh nghiệp đến đây làm việc được phục vụ chu đáo, thân thiện, giảm thời gian và chi phí nhờ chính quyền thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng một cửa và liên thông.
Trục đường chính vào TPM Bình Dương. |
Bên cạnh đó, để hỗ trợ TPM Bình Dương phát triển, tuyến xe buýt có lộ trình hơn 22km, đi từ Thủ Dầu Một đến TPM Bình Dương đã chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 12-2014, với tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Tuyến xe buýt mang tên Kaze Shuttle do Công ty TNHH Becamex Tokyu Bus (công ty con 100% vốn đầu tư của Công ty TNHH Becamex Tokyu) đầu tư. Đây cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên phát triển hệ thống xe buýt công cộng tại Việt Nam.
Hạ tầng đầy đủ, chỉ thiếu người ở
Ngay sau khi TPM Bình Dương được khởi công, hàng loạt dự án BĐS đã mọc lên nhanh chóng nhằm đón đầu làn sóng di cư tới đây sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn công trình này không người ở. Nhiều cao ốc về đêm chỉ sáng đèn vài căn hộ; những dãy nhà phố (ở và kinh doanh) khang trang nhưng khi đi sâu vào trong đều vắng bóng người; những dự án đất nền cỏ mọc um tùm...
Tại khu vực trung tâm TPM, một khu phố thương mại với hàng ngàn căn nhà phố liền kề (giá 4-5 tỷ đồng/căn) đã hoàn thiện nhiều năm qua hiện cửa đóng kín mít, số người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do bán không được, chủ đầu tư cho sinh viên thuê với giá chỉ 100.000-200.000 đồng/tháng.
Thậm chí nhiều người mua nhà đóng tiền không đúng thời hạn trong hợp đồng cũng không bị chủ đầu tư phạt. Chị Ng.Th.Th, chủ căn nhà trong phố thương mại này, cho biết dãy nhà phố được hoàn thiện 3-4 năm nay nhưng ít người đến ở, ban đêm không ai dám ra khỏi nhà.
Tương tự, khu đô thị thương mại dịch vụ Uni Town với quy mô 285 căn nhà phố cũng rơi vào tình cảnh hoang vắng. Những dãy nhà đã xây dựng sẵn phơi mưa phơi nắng nhiều năm, nhan nhản băng rôn, rao bán hoặc cho thuê. Bên trong khu phố đìu hiu này, lác đác vài hộ trương bảng kinh doanh dịch vụ karaoke, bán tạp hóa cả ngày nhưng chỉ vài khách vãng lai ghé qua.
Cách trung tâm hành chính vài trăm mét, 2 khu biệt thự triệu đô dành cho giới đại gia là Sunflower và Dragon Hill đang xây dựng dở dang, trơ trọi giữa cánh đồng cỏ um tùm. Trong số 25-30 ngôi biệt thự xây sẵn tại đây hiện chỉ 5-6 căn có người ở. Khu biệt thự Sunflower được giới thiệu có 104 căn, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong vai khách hàng tìm mua biệt thự, chúng tôi gọi vào số điện thoại của anh M., được giới thiệu là giám đốc một sàn BĐS, để tìm hiểu. Anh M. chào mời: “Mua biệt thự của dự án này có 3 sự lựa chọn: hoàn thiện - xây thô - đất (diện tích 400-1.000m2). Giá đất nền biệt thự giá tầm 40 triệu đồng/m2, đối với biệt thự hoàn thiện giá 16-23 tỷ đồng/căn. Đây là khu biệt thự đẳng cấp dành cho giới đại gia, môi trường sống rất an ninh”.
Để vực dậy dự án Dragon Hill, mới đây CTCP Kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC) công bố nghị quyết HĐQT về phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp đầu tư vào tổ hợp dự án TDC Dragon Hill. HĐQT TDC đã thông qua phương án phát hành 500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, nhằm huy động 500 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Dragon Hill. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý III và IV năm nay. Hiện TDC đang phối hợp với đơn vị tư vấn bảo lãnh phát hành để hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Theo một chuyên gia BĐS, TPM Bình Dương được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa nên sự phát triển về hạ tầng rất nhanh và toàn diện. Trong đó, Tập đoàn Becamex đã đầu tư nguồn vốn rất lớn để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông - xã hội, tạo ra quỹ đất sạch, mở lối cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến. Tuy nhiên, các kênh đầu tư vào TPM dường như chỉ tập trung việc phân lô, bán nền, đầu cơ khiến giá BĐS tăng ảo, chưa thu hút được người dân đến ở.
Xem ra TPM Bình Dương chỉ có duy nhất trung tâm hành chính tỉnh |
Xung quanh TPM hiện có 6 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút một lượng lớn công nhân đến đây làm việc, nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Song mức thu nhập của công nhân chỉ đủ sức mua nhà ở xã hội hoặc thuê trọ, không thể với tới những căn nhà trị giá đến 4-5 tỷ đồng.
Ngay cả những dự án xây dựng phục vụ cho những chuyên gia nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp như Sora Gardens, IJC Aroma… cũng bị ế, nhà đầu tư rao bán lại căn hộ và chấp nhận chịu lỗ 200-300 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến TPM Bình Dương chưa thu hút người dân về đây sinh sống, một chuyên gia BĐS rằng do nhiều dự án BĐS được đầu tư còn thiếu các dịch vụ tiện ích đi kèm. Vì thế, dù không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền tỉnh và các chủ đầu tư, song yếu tố tạo nên sắc thái và sức sống của TPM là con người vẫn thiếu.
“TPM Bình Dương là TP buồn nhất mà tôi từng thấy. Bởi nó chỉ cách TP Thủ Dầu Một khoảng 5-7km, nhưng bộ mặt của 2 TP rất trái ngược nhau về mọi mặt, thậm chí so với những khu dân cư xung quanh hưởng lợi từ sự hình thành của TPM cũng quá chênh lệch. Do đó, thay vì mua đất, nhà trong TPM với giá 30-40 triệu đồng/m2, người có nhu cầu thực về nhà ở có thể tìm đến xã Phú Chánh, xã Hòa Lợi - mặt bằng dân cư sầm uất nằm sát bên TPM - để mua đất cất nhà với chi phí thấp hơn do giá đất tại đây chỉ 3-4 triệu đồng/m2” - vị này cho biết.