Bộ Xây dựng vừa có băn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc bộ về “hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng người lao động, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo hướng dẫn, nội dung kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường yêu cầu phải có thông tin chung của công trường; phân công, quy định cụ thể người có trách nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện, người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động thi công xây dựng; quy định về quản lý thông tin dịch tễ của người lao động, khách đến làm việc, giao dịch tại công trường.
Đặc biệt, kế hoạch phải đảm bảo có phương án xử trí và bố trí khu vực cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có biểu hiện nghi mắc COVID-19, hoặc có ca mắc COVID-19 và F1, F2; phương án tổ chức xét nghiệm, cách ly y tế…
Về các biện pháp cụ thể, hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã nêu ra 14 biện pháp để áp dụng với 4 cấp độ dịch; trong đó cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới); cấp 2 nguy cơ trung bình; cấp 3 nguy cơ cao; cấp 4 nguy cơ rất cao.
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch tại mỗi khu vực công trình xây dựng sẽ dựa theo phạm vi đánh giá cấp độ dịch quy mô cấp xã tại địa phương nơi công trình thi công xây dựng. Trường hợp công trình trải dài theo tuyến trên nhiều khu vực có các cấp độ dịch khác nhau, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng sẽ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với từng cấp độ dịch ở khu vực đó.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến cho các cơ quan, tổ chức và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn triển khai, áp dụng hướng dẫn vào thực tiễn; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện hướng dẫn của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Đối tượng phải thực hiện hướng dẫn là các chủ đầu tư, chủ quản lý, sử dụng công trình; các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên công trường: khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng, thi công xây dụng, cung ứng vật tư; các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ có liên quan đến hoạt động thi công xây dựng tại công trình.
Chủ đầu tư có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường (gồm đại diện chủ đầu tư, đại diện các nhà thầu, người làm công tác y tế…) để tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch trên công trường trước khi thi công và định kỳ trong quá trình thi công xây dựng.
Ngoài ra, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch trên công trường tương ứng với cấp độ dịch tại khu vực xây dựng công trình theo kế hoạch; làm việc cùng nhà thầu để xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động; định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống dịch đối với các nhà thầu trên công trường…
Đối với các nhà thầu, Bộ Xây dựng yêu cầu thành lập Tổ công tác phụ trách phòng, chống dịch, hoặc Tổ an toàn COVID-19 phù hợp với quy mô, đặc điểm, nhiệm vụ thi công trên công trường; phối hợp với chủ đầu tư và cơ sở y tế địa phương để sớm tiêm đủ các mũ vaccine phòng chống dịch cho người lao động; định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch của người lao động để có phương án khắc phục các tồn tại (nếu có).
Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Bộ Xây dưng cũng yêu cầu người lao động tuân thủ kế hoạch phòng chống dịch; tuân thủ nguyên tắc 5K; chủ động tự theo dõi sức khỏe, không giấu các biểu hiện nghi mắc COVID-19 và hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.