Nghị định mới này sẽ thay thế cho Nghị định 86 (áp dụng từ năm 2015 đến năm 2020), đáng chú ý là có nhiều điểm mới về quy định mức trần học phí với từng loại trường (tự chủ và chưa tự chủ), từng chương trình đào tạo.
Học phí trường tự chủ tăng cao nhất
Dự thảo Nghị định nêu trên đưa ra mức học phí mới thay thế Nghị định 86 của Chính phủ dự kiến thực hiện từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, do vấp phải phản ứng của dư luận nên ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề xuất trình Thủ tướng xin giữ nguyên học phí của năm học tới như năm học 2020-2021. Như vậy, nếu được Chính phủ chấp thuận và dự thảo Nghị định đi vào thực tế, từ năm học 2022-2023, sẽ chính thức áp dụng mức tăng học phí theo quy định mới.
So với Nghị định 86 quy định về học phí hiện hành, dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới liên quan học phí đại học (ĐH) công lập. Đó là học phí ĐH được chia thành nhiều mức, thay vì 2 mức như Nghị định 86 (các trường ĐH tự chủ và các trường ĐH chưa tự chủ) gắn kiểm định với học phí.
Mức học phí chia theo 7 khối ngành. Như Khối ngành I (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) từ 1,25 triệu đồng/tháng (năm học 2021-2022) và 2,45 triệu đồng/tháng năm học 2025-2026, Khối ngành II (Nghệ thuật) tăng tương ứng 1,2 - 1,93 triệu đồng/tháng. Trong đó, Khối ngành Sức khỏe chia làm 2 nhóm: nhóm ngành Sức khỏe học phí 1,85 - 3 triệu đồng/tháng; nhóm ngành Y dược từ 2,45 - 3,94 triệu đồng/tháng.
Đối với CSGD ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng CSGD ĐH trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn) nhưng chưa đạt tiêu chí kiểm định chất lượng CSGD ĐH trong nước (tự chủ mức 1), thì mức học phí tối đa được xác định bằng 2 lần mức trần học phí quy định, có nghĩa là học phí của các trường tự chủ sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.
Như vậy, cả nước hiện có 23 trường thí điểm tự chủ (phần lớn là tự chủ chi thường xuyên) học phí sẽ tăng gấp đôi, ít nhất là 40 triệu đồng/năm với chương trình hệ đại trà.
Với CSGD ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng CSGD ĐH trong nước (tự chủ mức 2), mức học phí tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí.
Với CSGD ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và được tự chủ, đạt kiểm định chương trình đào tạo trong nước, mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế (tự chủ mức 3), được tự xác định học phí của chương trình trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản phê duyệt.
Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phải đạt kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế trong vòng 2 năm, kể từ khi khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp thì được tự xác định học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản phê duyệt.
Cùng với học phí ĐH, học phí sau ĐH (đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ), mức trần học phí được tính bằng học phí ĐH nhân 1,5 lần với đào tạo thạc sĩ, nhân 2,5 lần với đào tạo tiến sĩ tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.
Tăng học phí để cải thiện chất lượng?
Như vậy, theo dự thảo Nghị định thì mức học phí cả trường công lập chưa tự chủ và trường công lập tự chủ sẽ tăng rất nhiều. Năm học 2021 có thể chưa áp dụng vì quá nhạy cảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng chắc chắn là học phí mới sẽ được áp dụng trong năm 2022. Khi đó, học phí ĐH ở các trường công lập nói chung, thấp nhất cũng 12 triệu đồng/năm (năm 2022 với Khối ngành Nghệ thuật, cao nhất là 24 triệu đồng/năm với Khối ngành Y dược.
Tương ứng đến năm 2025 sẽ là 19,3 triệu đồng/năm và 39,4 triệu đồng/năm). Với các trường tự chủ, đạt chuẩn kiểm định học phí sẽ được tính lên cao hơn gấp 2 đến 2,5 lần.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021: Bài toán học phí ĐH khá phức tạp, vừa tính đến yếu tố đảm bảo khả năng chi trả của một bộ phận khá lớn của người dân, vừa tính đến chất lượng, lương giảng viên, trang thiết bị hiện đại gắn với đổi mới chương trình.
Nếu xét về học ĐH như một sự đầu tư vì lợi ích cá nhân và vì lợi ích chung (theo nghĩa hàng hóa công) thì sự chia sẻ tài chính giữa người học và Nhà nước là cần thiết. Nếu học phí (tài chính đầu tư quá thấp) lại quản lý kém dẫn đến hiệu quả thấp do chất lượng đầu ra không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Nói cách khác, tự chủ chi thường xuyên cho một số CSGD ĐH cho thấy bước đầu có tác dụng tốt về mặt chất lượng, lãnh đạo nhà trường phải năng động hơn để tìm kiếm nguồn lực thông qua các nghiên cứu, dịch vụ sản xuất kinh doanh, tài trợ từ doanh nghiệp... Điều cần nhấn mạnh là mọi khoản thu chi phải minh bạch, quản lý tốt, không để thất thoát và góp phần cải thiện chất lượng.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM (một trong 23 trường thí điểm tự chủ giai đoạn 2015-2017) cho rằng: Người học phản ứng tăng học phí là đúng, vì người học muốn học phí thấp, chất lượng phải cao. Nhưng điều này khó có thể xảy ra khi Nhà nước đã giao quyền tự chủ cho các trường.
Các trường bắt buộc phải cân đối giữa học phí và thu nhập của người dân, ở mức chấp nhận được. Học phí ĐH của Việt Nam được xem là khá rẻ nên khó muốn vừa chất lượng, nghiên cứu mạnh, lương giảng viên cao vừa cơ sở vật chất tốt, chương trình tiên tiến được.
Ngược lại, khi học phí cao, các trường tự chủ sẽ có chính sách, nhiều nguồn quỹ (quy định trích 8% học phí cho quỹ học bổng) để trao cho những em học giỏi, diện chính sách. Không thể kéo dài học phí thấp và chất lượng làng nhàng được.
Trong dự thảo nghị định, còn có phần rất mới về giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Theo Ban soạn thảo nghị định, giá dịch vụ đào tạo được xác dịnh theo Luật Giá và Luật Giáo dục Đại học (hiệu lực từ ngày 1-7-2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giá dịch vụ đào tạo được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, phù hợp với thực tế. TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021 cho biết, theo Ngân hàng Thế giới thì giáo dục - đào tạo là lĩnh vực kinh tế dịch vụ. Vì vậy, khi thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đấu thầu dịch vụ giáo dục đào tạo, buộc phải tính toán chi phí của quá trình đào tạo (cơ sở vật chất, lương, chương trình…) để có sự cạnh tranh. Đơn vị nào có giá dịch vụ đào tạo hợp lý, cạnh tranh hơn sẽ được lựa chọn đặt hàng đào tạo. Tuy nhiên, chúng ta quen dùng là học phí, chi phí đào tạo nên khi gọi giá dịch vụ đào tạo thì hơi khó nghe. |