Tìm kiếm nhiều cơ sở đào tạo lái xe trên mạng và gọi điện để hỏi các thông tin nhằm lựa chọn đăng ký học bằng lái, anh Nguyễn Thanh Nam (Long Biên, Hà Nội) ngỡ ngàng khi chi phí khóa học bằng lái xe B2 trọn gói lên tới 16 triệu đồng. Trong khi đó, vào tháng 10/2022, người thân của anh Nam học và thi chỉ mất hơn 12 triệu đồng.
Khi thắc mắc mức giá đội lên quá cao, anh Nam được nhân viên đăng ký giải thích rằng từ 1/1/2023, chi phí học để lấy bằng lái tăng là do có thêm các khoản phí học thực hành lái xe (DAT), luyện tập lái xe trên cabin mô phỏng (quy định tối thiếu 3 giờ), giá nguyên liệu chi phí xăng dầu tăng. Ngoài ra, nội dung chương trình học lý thuyết bằng lái xe hạng B2 có tổng cộng 168 giờ; học thực hành có tổng thời gian là 84 giờ, với 1.100km bao gồm tối thiểu 810km (bắt buộc) thực hành DAT lái xe đường trường và 200km lái xe sa hình.
“Ngoài các khoản phí thu cơ bản thì trong quá trình học cũng có thể phát sinh thêm nhiều loại phụ phí khác như tiền xăng xe, thuê bãi tập, thuê xe hay giảng viên hỗ trợ kèm học... Vì vậy, học viên nên yêu cầu các trung tâm, đơn vị đào tạo kê khai rõ ràng toàn bộ những khoản phí ngoài để có thể cân đối chi phí trước khi đăng ký,” đại diện một trung tâm đưa ra khuyến cáo.
Theo khảo sát của phóng viên VietnamPlus tại các trung tâm đào tạo lái xe cho thấy chi phí để học bằng lái xe ôtô bằng B1-B2 trọn gói là 16 triệu đồng và bằng C là 18 triệu đồng. Con số này cao hơn từ 3-4 triệu đồng so với thời điểm trước năm 2023.
Theo các trung tâm, học phí đào tạo lái xe đã tăng do họ phải đầu tư, trang bị và duy trì cabin học lái, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành trên đường của học viên theo đúng Thông tư 04 sửa đổi Thông tư 12 của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp giấy phép lái ôtô Đức Thịnh, cho biết chi phí đào tạo lái xe hiện nay đã bao gồm cả giám sát quãng đường học thực hành. Việc học qua cabin tập lái, học viên học giờ nào tính thêm tiền giờ đó.
Cũng theo ông Hải, mức phí đào tạo không quy định cố định mà phụ thuộc vào từng trung tâm và khả năng của người học. Cụ thể, nếu người học bình thường chi phí chỉ 12-13 triệu đồng, tuy nhiên, người học yếu thì mức phí có thể cao hơn do học thêm giờ, phải đóng thêm tiền. Mức phí cũng phụ thuộc vào điều kiện, cơ sở vật chất, chất lượng xe ôtô tập lái... nhưng cũng chưa thể cao đến mức 17-18 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Hải thông tin thêm, từ năm 2023, khi học phần học thực hành lái xe ôtô trên cabin mô phỏng được đưa vào giảng dạy ở các trung tâm đào tạo lái xe ôtô thì lúc thi sát hạch học viên sẽ phải thi cả bài thi mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính.
Cụ thể, phần thi mô phỏng các tình huống giao thông chỉ được thực hiện sau khi học viên đã vượt qua bài thi lý thuyết. Nếu vượt qua bài thi lý thuyết và phần mềm mô phỏng tình huống giao thông, người học sẽ được thi tiếp bài thi thực hành lái xe trong hình và trên đường. Khi đạt tất cả các bài thi nêu trên, học viên mới được công nhận trúng tuyển và cấp bằng lái xe ôtô theo hạng đã đăng ký thi.
Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe ở Hà Nội cho hay do mỗi bộ cabin có giá 400-500 triệu đồng mà các cơ sở đào tạo mua sắm để trang bị đưa vào quy trình đào tạo theo quy định nhằm đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành cũng là nguyên nhân khiến chi phí dạy bằng lái xe tăng lên so với năm trước.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phí đào tạo được giao cho các cơ sở tự xây dựng rồi trình lên cấp có thẩm quyền. Mỗi năm, các trung tâm không được tăng phí đào tạo quá 15%.
“Chi phí đào tạo hiện nay do thị trường điều tiết. Với nhiều cơ sở đào tạo, khi một trung tâm nào đó tăng phí cao thì sẽ giảm học viên đăng ký theo học. Do vậy, các cơ sở đào tạo cần tính toán, bởi mức phí hiện nay đã gồm đầy đủ các chi phí đầu tư của trung tâm,” ông Cường khẳng định.