Năm nay, dù đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, xứ sở sương mù đã không áp đặt các biện pháp khóa chặt như năm ngoái. Suốt tuần lễ từ Giáng sinh tới ngày 1-1-2022, người dân đổ xô ra đường mua sắm đón chào năm mới, dĩ nhiên phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Nhiều thành phố đã bắn pháo hoa và tổ chức tiệc tùng ngoài trời. Đáng tiếc, màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng của London đã bị hủy bỏ năm thứ hai liên tiếp do biến thể Omicron đang hoành hành. Dù vậy, nó đã được thay thế bằng lễ kỷ niệm ở Quảng trường Trafalgar với nhạc sống sôi động do các ban nhạc nổi tiếng của Anh biểu diễn.
Ở Scotland, lễ kỷ niệm Hogmanay của Edinburgh đã trở lại với bữa tiệc đường phố lớn ngoài trời, các buổi hòa nhạc và pháo hoa, sau đó đúng vào ngày đầu năm mới là lễ hội hoành tráng Loony Dook (một buổi sáng trên sông). Tại xứ Wales, lễ hội Giáng sinh Cardiff Depot với cocktail, thức ăn đường phố và pháo hoa cùng với chương trình biểu diễn SALUT, đã diễn ra sôi động. Bắc Ireland chào đón năm 2022 theo phong cách riêng, với lễ kỷ niệm tại các lâu đài Ballyally và Killeavy, bắn pháo hoa tại Fratelli ở Belfast.
Ngày Tết Âm lịch người Việt sống tại Anh trang trí nhà cửa, ăn uống và ngắm hoa ở nhà xem như kỷ niệm.
Đó là các hoạt động đón năm mới 2022 của người bản quốc. Còn Tết Âm lịch của người Việt và một số nước châu Á không hề có trong danh sách các ngày lễ của xứ sương mù. Vì vậy, dẫu cho không có lệnh khóa cửa vì Covid-19, cũng sẽ không có các buổi trình diễn pháo hoa, các bữa tiệc ngoài trời hay các sự kiện lớn như Tết Dương lịch.
Những năm trước, khi chưa có Covid, Tết Âm lịch người dân vẫn đi làm bình thường, nên những gia đình người Việt tổ chức party vào buổi tối, cũng có chúc Tết và lì xì để lấy không khí và giúp nhau nhớ về quê hương. Vợ chồng tôi cũng nhân dịp này kể cho các con biết thêm về những phong tục truyền thống của quê cha đất tổ.
Nhưng từ Tết năm ngoái, việc tụ tập đón giao thừa vào tối 30 tháng Chạp âm lịch đã trở thành điều xa xỉ. Năm nay, dù chính phủ không đóng cửa, nhưng hầu hết gia đình người Việt tại Anh đều ngại ra ngoài, ngại tiếp xúc. Vì vậy, chúng tôi đã lên tinh thần để đón cái Tết Việt “riêng tư”.
Đi chợ, tìm mua những nguyên liệu Việt để làm các món truyền thống ngày Tết là điều tôi đặc biệt ưa thích. Nó gợi cho tôi nhớ lại những ngày cuối năm ở quê nhà, cùng mẹ ra chợ đông vui tấp nập trong cái háo hức đón chờ những ngày Tết. Ở London có rất nhiều siêu thị Việt với rất nhiều đồ ăn của người Việt như mì tôm, nước mắm, miến, măng khô, mộc nhĩ, bánh đa, nem nướng, bánh tôm, bánh bột lọc…
Cũng như mọi năm, năm nay các siêu thị châu Á ở London đều bày bán thêm các mặt hàng như bánh chưng, giò, đồ trang trí truyền thống, mứt, ô mai, và thậm chí lá dong để gói bánh chưng. Nhưng có một thứ hầu như không thể mua tại Anh, đó là mai hay đào để chưng Tết.
Vì vậy, những năm trước tôi thường ra ngoại ô tìm các loại hoa dại nhìn hao hao mai hay đào để mang về chưng Tết cho đỡ nhớ, dù không được khéo tay lắm. Chồng tôi vẫn hay đùa: “Em tuyệt đối đừng gọi đây là mai chưng Tết, nếu không mấy đứa con sẽ tưởng là mai của Việt Nam xấu lắm”. Nhưng tôi không quan tâm lắm, miễn có sắc vàng sắc thắm trong nhà vào những ngày Tết của quê hương là trong lòng đã thấy ấm áp rồi.
Tết năm nay vào ngày thứ Ba, nên chúng tôi vẫn phải đi làm, các con đi học bình thường. Nhưng đêm Giao thừa, tôi vẫn cố gắng thu xếp làm mâm cơm nhỏ để cúng ông bà tổ tiên. Sau đó gọi video call về cho ông bà tại Việt Nam hỏi thăm và chúc Tết.
Do đại dịch, hầu hết người Việt ở nước ngoài, cũng như tại Anh không thể về quê hương ăn Tết, nhưng công nghệ đang giúp kéo gần khoảng cách.
Do đại dịch, hầu hết người Việt ở nước ngoài, cũng như tại Anh không thể về quê hương ăn Tết, nhưng công nghệ đang giúp kéo gần khoảng cách.
Và quan trọng hơn, khi trong lòng luôn nhớ về người thân, luôn nhớ về quê hương, khoảng cách địa lý hay đại dịch toàn cầu cũng không ngăn cách được tình cảm của những người con Việt xa xứ. Hy vọng năm mới 2022, đại dịch trên toàn thế giới sẽ bị đẩy lùi, để những người con Việt trên khắp 5 châu 4 bể có cơ hội được ăn Tết đoàn viên ấm cúng nơi quê nhà.