VCG – Gánh nặng nợ vay
Từ khi niêm yết cách đây 4 năm việc Vinaconex (VCG) "gặp chuyện" với BCTC đã trở nên quá quen thuộc với các NĐT, đến mức có NĐT đã nói vui rằng nếu BCTC của VCG không có vấn đề gì mới là... chuyện lạ. Nhưng để trả lời cho câu hỏi khi nào VCG sẽ thoát ra khỏi những khó khăn lại không hề đơn giản.
> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 1): PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo
Mỗi năm trả lãi hơn 1.500 tỷ đồng
Gần đây nhất, BCTC hợp nhất 6 tháng đã qua soát xét, công ty kiểm toán đã điều chỉnh lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm đến 119,3 tỷ đồng so với trước soát xét (giảm hơn 50%). Nếu giả định những vấn đề trong BCTC mà VCG là do quan điểm về kế toán hay khác biệt về nghiệp vụ, thì cũng cho thấy công tác quản trị của công ty có vấn đề và rất đáng chê trách.
6 tháng đầu năm 2012, VCG đạt doanh thu 5.437,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 101,8 tỷ đồng, tương ứng với thu nhập trên mỗi CP (EPS) vỏn vẹn 249 đồng. Cùng kỳ năm ngoái, EPS của VCG có "khá" hơn khi đạt mức 329 đồng/CP. Giả định KQKD của VCG trong 6 tháng cuối năm cũng tương tự 6 tháng đầu năm, EPS của CP này chỉ đạt vỏn vẹn khoảng 500 đồng/CP.
Như vậy liệu có tương xứng với tiềm năng của một tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng với năng lực và giá trị thương hiệu rất lớn, có vốn điều lệ hơn 4.400 tỷ đồng và tổng tài sản lên đến hơn 28.500 tỷ đồng tính đến ngày 30-6? Nói cách khác, VCG đã lãng phí những lợi thế, nguồn lực mà mình đã có và đang có.
Đến giữa năm 2012, tính sơ bộ các khoản vay ngắn và dài hạn của VCG có tổng giá trị lên đến gần 12.700 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn điều lệ và gấp hơn 2 lần doanh thu nửa đầu năm 2012.
Trong cơ cấu tài sản của VCG, tính sơ bộ có đến gần phân nửa được hình thành từ nợ vay, nếu giả định lãi suất ở mức vừa phải là 12%/năm, tiền lãi mỗi năm cho khoản vay 12.700 tỷ đồng đã lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, gấp 15 lần lợi nhuận sau thuế của năm 2011. Trong nửa đầu năm 2012, VCG đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên hơn 4.400 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, chỉ riêng chi phí lãi vay của VCG đã lên đến hơn 550 tỷ đồng, gấp 5 lần lợi nhuận sau thuế của công ty và tương đương 1/3 số vốn điều lệ tăng thêm là 1.400 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30-6, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của VCG đạt gần 670 tỷ đồng, tức chỉ nhiều hơn chi phí lãi vay trong 6 tháng hơn 100 tỷ đồng. Chỉ qua một số so sánh như vậy đủ thấy gánh nặng nợ vay đang "đè" VCG nặng như thế nào.
Khó thoát vòng xoáy
VCG kém minh bạch dẫn đến việc công ty không hấp dẫn trong mắt NĐT, cũng vì vậy mà VCG chỉ hợp với lối đánh "đầu cơ" hay "sóng ngắn" chứ chưa bao giờ là một lựa chọn dài hạn. Điều này là phi lý, bởi lẽ một công ty đầu ngành, có vị thế như VCG lý ra phải là điểm đến của các tổ chức đầu tư.
VCG đã không còn hấp dẫn đối với NĐT. Ảnh: LÃ ANH |
Thẳng thắn mà nói, những NĐT ngắn hạn cũng không có nhiều nhu cầu liên quan đến minh bạch. Doanh nghiệp kém minh bạch lại không chịu áp lực từ cổ đông thì tính minh bạch xuống dốc cũng là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh ngành xây dựng, bất động sản khó khăn như hiện nay, có thể nhận thấy trước một viễn cảnh không lấy gì sáng sủa cho VCG trong tương lai gần.
Nợ vay đang "đè" hoạt động kinh doanh của VCG, tất nhiên nếu muốn dễ thở hơn chỉ có cách giải quyết dần nợ vay. Nhưng để giải quyết được vấn đề này phải có lợi nhuận. Dễ thấy rằng khi sức tiêu thụ và nhu cầu của ngành xây dựng, bất động sản giảm, chỉ việc tạo ra doanh thu để có dòng tiền thôi đã khó nói chi đến việc tạo ra lợi nhuận để trả nợ.
Trong khi đó, VCG huy động vốn từ cổ đông cũng không hề đơn giản, bởi lẽ công ty kém minh bạch không dễ gì gọi được vốn dài hạn, NĐT đánh ngắn chẳng bao giờ nghĩ đến việc mua CP phát hành. Khó huy động, kinh doanh kém hiệu quả, thị trường lại định giá CP ngày càng thấp, lại dẫn đến việc càng khó phát hành.
Và tất nhiên, không chỉ cổ đông VCG bị ảnh hưởng mà còn cả TTCK, vì đây là một trong những CP có giá trị vốn hóa lớn nhất HNX. Hôm qua 26-9, VCG đóng cửa tại mức giá 8.000 đồng/CP, mặc dù thấp hơn mệnh giá nhưng vốn hóa của VCG cũng lên đến hơn 3.500 tỷ đồng.
Khi nào tái cấu trúc?
Sẽ rất khiên cưỡng nếu nói hoạt động kinh doanh của VCG là bình thường, hay tình hình tài chính lành mạnh. Nói một cách đơn giản, hiện nay nhìn vào VCG, NĐT chỉ thấy rõ nhất là nợ, còn những vấn đề khác lại mờ mờ ảo ảo. Theo cách nhìn này sẽ xuất hiện suy nghĩ bỏ tiền vào VCG cũng chỉ có ý nghĩa giúp công ty trả nợ, còn khả năng sinh lãi thì chẳng thấy đâu. Vì vậy, việc tái cấu trúc VCG nên bắt đầu ngay ở vấn đề minh bạch.
Công ty nên có những giải trình cụ thể về hoạt động kinh doanh của mình, đâu là nguồn thu chính, đâu là cốt lõi, đâu là những khoản đầu tư kém hiệu quả có ý định thoái vốn? Việc này đòi hỏi sự quyết liệt, dám làm dám chịu của VCG.
Thời gian qua, công ty đã có những hoạt động thoái vốn tại các khoản đầu tư của mình. Nhưng NĐT cần những chiến lược cụ thể rõ ràng, nêu lên những doanh nghiệp cần thoái vốn, những doanh nghiệp nào phục vụ cho mục đích kinh doanh cốt lõi. Điều này là vô cùng cần thiết để tránh tình trạng cứ một khoảng thời gian, lại đột ngột xuất hiện thông tin VCG thoái vốn và NĐT chỉ biết đón nhận theo kiểu bị động.
Ngoài ra, công ty cũng cần minh bạch hóa các nguồn thu của mình, bao nhiêu bắt nguồn từ xây dựng, bao nhiêu từ bất động sản và quan trọng hơn nữa là phải định giá một cách chuẩn xác các tài sản của mình bao gồm các khoản đầu tư và giá bất động sản.
Nhu cầu và kỳ vọng về việc tái cấu trúc VCG là điều các cổ đông và NĐT có thể thấy được, nhưng quyết tâm thực hiện chỉ có thể do lãnh đạo của công ty quyết định. Nếu tiếp tục trì hoãn, những vòng xoáy về hiệu quả, kém minh bạch và xuống cấp có thể cộng hưởng và ngày một đè nặng lên một tổng công ty xây dựng lừng lẫy một thời.