Hội chứng mất tích

Trong tháng 4-2012, nhằm khảo sát đánh giá tình hình khó khăn của DN, Cục Thống kê TPHCM đã chọn mẫu điều tra 1.900 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn. Trong đó có 39 DNNN (chiếm 8,1% trong tổng số DNNN), 1.689 DN ngoài nhà nước (chiếm 1,9% trong tổng số DN ngoài nhà nước) và 176 DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI (chiếm 6,1% trong tổng số DN FDI).

Các DN này vẫn đang hoạt động vào thời điểm ngày 1-1-2011. Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra, chỉ có 64% trong số DN này còn hoạt động, 6,7% DN đã phá sản, giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, hoặc đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể, 1,6% DN tạm ngừng sản xuất.

Còn lại khoảng 27,7% DN trong diện khảo sát đã mất tích, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký và cũng không liên hệ được.

Việc các DN mất tích không phải là vấn đề mới nhưng luôn nóng trong những năm qua. Khoảng giữa năm 2005, Cục Hải quan TPHCM đã ghi nhận khoảng 500 DN mất tích với tổng số nợ thuế lên đến hơn 66 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN biến mất.

Thực tế, nhiều năm qua đã có rất nhiều công ty “ma” được thành lập thuê người làm giám đốc, thuê địa chỉ kinh doanh để nhập khẩu vài lô hàng và lợi dụng chính sách ân hạn thuế để không phải nộp thuế, ngay sau đó biến mất để trốn thuế.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế  TPHCM, cho biết nhiều trường hợp DN thành lập mới để thực hiện một vài thương vụ làm ăn rồi nhanh chóng giải thể. Có DN giao dịch một, hai hợp đồng để lấy hóa đơn thuế phục vụ cho mục đích riêng rồi hủy hợp đồng…

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của DN. Mới đây, tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế-xã hội TPHCM quý I-2012, Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM cho biết đã có 1.198 DN bỏ trốn, mất tích.

Trong số này DN thuộc ngành vận tải chiếm tỷ lệ cao do không đủ sức chịu đựng sự lên giá nguyên nhiên liệu và các loại phí. Điều đáng nói, nhiều DN, nhất là DNNVV, đã âm thầm đóng cửa khi không còn khả năng tiếp tục hoạt động, kinh doanh.

Theo Cục Thuế TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2012, có khoảng 2.500 DN rời bỏ địa chỉ kinh doanh mà không hề khai báo với các cơ quan thuế, khiến ngành thuế gặp không ít khó khăn trong công tác quyết toán. Trong khi đó, Chi cục Thuế quận 3 ghi nhận mỗi tháng có khoảng 50 DN ở khu vực này mất tích.

Thực trạng trên đã cho thấy một thực tế là thủ tục giải thể DN còn quá rườm rà, mất nhiều thời gian. Để thực hiện quy trình giải thể, DN phải gửi hồ sơ đến cơ quan thuế để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với thời gian khá lâu, trong khi DN muốn nhanh chóng giải thể.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng DN mất tích, cơ quan quản lý cần đề ra những tiêu chí thành lập DN, tham gia kinh doanh chặt chẽ hơn để tránh trường hợp một số cá nhân lợi dụng kẽ hở trục lợi về thuế.

Bên cạnh đó, hỗ trợ ngành thuế trong đào tạo nhân lực, giúp DN thực hiện các quy trình giải thể nhanh chóng, gọn nhẹ, giúp ngành thuế giảm bớt khó khăn trong công tác quản lý và quyết toán hồ sơ.

Các tin khác