Các chuyên gia cho rằng, di chứng hậu Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đừng vì quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tự ý thực hiện các cận lâm sàng; mua, sử dụng nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ, dẫn đến lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng sức khỏe.
Đại diện báo SGGP tặng hoa cảm ơn các bác sĩ tham dự buổi giao lưu. Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều nỗi lo sau mắc Covid-19
Gửi câu hỏi sớm nhất về Báo SGGP Online, bạn đọc Hà Văn Phú, huyện Hóc Môn, TPHCM, hỏi: “Vợ tôi có thai 6 tháng và mắc Covid-19, nay đã khỏi nhưng vẫn ho nhiều, liệu có ảnh hưởng đến quá trình mang thai, làm sinh non hay không?”.
TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trả lời: Ho là một phản xạ tự nhiên để làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác nhằm bảo vệ đường thở và phổi. Trong khi hồi phục sau mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân có thể tiếp tục ho thêm một thời gian mới hết. Nếu ho khan mà không có các triệu chứng gì khác, nên uống đủ nước ấm, có thể thực hành các kỹ thuật kiểm soát cơn ho như nuốt những ngụm nước nhỏ, dùng kẹo ngậm ho thảo dược (loại có thể dùng được cho phụ nữ có thai)... “Tuy nhiên, do bạn đang có thai, việc ho nhiều có thể ảnh hưởng đến em bé, bạn nên thu xếp để gặp bác sĩ tư vấn, khám sớm”, TS-BS Lê Thị Thu Hương lưu ý.
Theo BS CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, sau khi mắc Covid-19, người dân nên theo dõi sức khỏe định kỳ, nếu có triệu chứng bất thường thì nên đến bác sĩ để được tư vấn, thăm khám, chẩn đoán phù hợp. Bên cạnh đó, cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thay đổi lối sống lành mạnh để hạn chế di chứng sau mắc Covid-19. “Các triệu chứng mất ngủ, bứt rứt, ăn không ngon cũng thường bắt gặp ở bệnh nhân sau mắc Covid-19, do đó cần thay đổi lối sống, chế độ luyện tập, chế độ dinh dưỡng. Nếu không cải thiện thì nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán phù hợp”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong thông tin.
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về việc khi nào cần thăm khám sau mắc Covid-19, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hội chứng sau mắc Covid-19 xảy ra ở những cá thể có tiền sử được xác định hoặc nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, thường sau 3 tháng kể từ khi khởi phát triệu chứng của Covid-19, kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích được bằng một chẩn đoán khác. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức cũng như các triệu chứng khác ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày.
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, có một tỷ lệ người bệnh sau khi mắc Covid-19 bị di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, còn lại đa số trường hợp sẽ khỏi và không để lại di chứng. Cụ thể có các nhóm: nhóm nguy cơ cao phát triển tình trạng sau mắc Covid-19 (lớn tuổi, bệnh nền, Covid-19 cấp nặng khi nằm viện); nhóm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mới, hay còn dai dẳng sau khi khỏi Covid-19; và nhóm người sau khi khỏi Covid-19 không có triệu chứng gì (vẫn học tập, lao động, sinh hoạt bình thường, không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống; không thuộc nhóm những người nguy cơ thì không cần khám sau mắc Covid-19).
Hạn chế lạm dụng thuốc
Bác sĩ Hà Tấn Lộc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết, không phải ai cũng có triệu chứng sau khi mắc Covid-19 cần phải đi khám, do đó nên hạn chế lạm dụng thăm khám để tránh lãng phí và tốn kém. Trả lời câu hỏi của một bạn đọc ngụ quận 12 là sau khi mắc Covid-19 học hành không vô, làm việc không suy nghĩ được ý tưởng gì; bác sĩ Tấn Lộc cho rằng, có thể bạn đang gặp phải vấn đề stress sau mắc Covid-19. Do đó có thể cải thiện tình trạng này bằng các biện pháp như tập thở, tập thiền sẽ giúp tịnh tâm, thư giãn tinh thần; tạm thời hạn chế bớt công việc; dành thời gian thư giãn nhiều hơn sau giai đoạn nhiễm bệnh cấp tính để cơ thể dần hồi phục.
Liên quan đến việc sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc ho cho người sau mắc Covid-19, bác sĩ Hà Tấn Lộc cho rằng, khi cơ thể thiếu chất mới phải cần bổ sung, nếu người sau mắc Covid-19 vẫn ăn uống được bình thường mà trong chế độ ăn đã đầy đủ cân bằng dinh dưỡng rồi thì không cần thiết phải bổ sung từ các thực phẩm chức năng; vì khi bổ sung quá mức, cơ thể không hấp thu được cũng đào thải ra. Bên cạnh đó, việc dùng bừa bãi thực phẩm chức năng nếu không đảm bảo chất lượng có thể ảnh hưởng xấu đến gan và thận. Đối với thuốc ho thì nếu người sau mắc Covid-19 không còn triệu chứng ho nữa, không cần thiết phải sử dụng; nếu tình trạng ho kéo dài thì có thể khám kiểm tra để tránh bỏ sót những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Kỹ thuật viên tập đứng kết hợp thở cho người dân sau mắc Covid-19 tại Bệnh viện Gia An 115, TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN
Đối với bạn đọc đặt câu hỏi vì công việc phải thức khuya dậy sớm, khiến hay chóng mặt, hay quên, đi thang máy thấy chếnh choáng như bay, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyên, cần thay đổi lối sống, tập thể dục thể thao, có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu tình trạng không suy giảm, cần đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị phù hợp.
Một trường hợp bạn đọc cho biết, có biểu hiện mất trí nhớ tạm thời sau khi mắc Covid-19, có cần đi khám, điều trị sau Covid-19? Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng, đây là triệu chứng gặp phải ở một số người sau khi mắc Covid-19. Do đó, nếu triệu chứng kéo dài nên đến cơ sở y tế khám chuyên khoa hậu Covid-19 để được thăm khám phù hợp. “Việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Hiện nay, có rất nhiều thuốc và thực phẩm chức năng quảng cáo tốt cho những người sau mắc Covid-19. Do đó, người dân cần được thăm khám và hướng dẫn dùng thuốc từ chuyên gia y tế”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.
Mời bạn đọc xem toàn bộ nội dung chương trình giao lưu trên SGGP online www.sggp.org.vn.
TS-BS Lê Thị Thu Hương cho biết, đối với những người sau mắc Covid-19 bị ho đờm trong mà không kèm các triệu chứng khác thì nên uống đủ nước ấm, thực hiện các bài tập thở để làm sạch phổi. Song song đó, giữ ấm ngực và cổ, có thể sử dụng các thuốc long đờm, viên ngậm dịu họng, nước chanh mật ong, ăn đúng giờ, tránh các thức ăn quá chua, cay. Tuy nhiên, nếu ho có kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đờm đổi màu, thở khò khè, hụt hơi, gầy sút, hoặc ho kéo dài trên 3 tuần thì cần đi khám bác sĩ. |
Siết chặt quảng cáo các gói khám sau mắc Covid-19
|