Cách làm hồi ký của NSND Lệ Thủy hơi độc đáo, khi “Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát” gồm 32 tập của bà, để phát sóng trên Youtube, nên chưa có công ty giải trí nào đồng hành. Ngược lại, những hồi ký của nghệ sĩ khác được phát hành dưới dạng cuốn sách có rất nhiều đơn vị xuất bản tranh nhau đầu tư in ấn công phu và quảng bá rầm rộ.
Như hồi ký của NSND Kim Cương có tên gọi “Sống cho mình, sống cho người”, và hồi ký của NSUT Thành Lộc có tên gọi “Tâm thành và lộc đời” đều có số lượng phát hành hàng vạn bản, bán đắt như tôm tươi, khiến các nhà văn chuyên nghiệp cũng phải ganh tỵ.
Hầu hết nghệ sĩ đều nhờ người chấp bút hồi ký, trừ những người có khả năng viết lách như NSND Đặng Nhật Minh. Riêng ca sĩ Ái Vân, ban đầu nhờ người chấp bút, nhưng sau đó tự viết và có bạn bè hiệu đính dùm. Do vậy, cuốn hồi ký “Để gió cuốn đi” của ca sĩ Ái Vân có giọng điệu riêng biệt và hấp dẫn. Ngược lại, có không ít hồi ký của nghệ sĩ được chấp bút bởi một… nhóm tác giả, mỗi người viết một quãng đời, nên tổng thể cuốn sách hơi chệch choạc và rời rạc.
NSND Lệ Thủy.
Không ai đòi hỏi hồi ký của nghệ sĩ phải chất chứa những ưu tư về thăng trầm thời cuộc, như hồi ký của các bậc tri thức cỡ học giả Nguyễn Hiến Lê hoặc học giả Đào Duy Anh. Thế nhưng, nếu hồi ký của nghệ sĩ chỉ hướng đến sự tò mò và nhằm thỏa mãn sự tò mò từ một bộ phận công chúng hiếu kỳ, cũng hơi lãng phí sự chờ đợi giới mộ điệu dành cho thần tượng.
Vì không có ý thức gìn giữ tư liệu cá nhân, phần lớn hồi ký của nghệ sĩ được hình thành một cách chắp vá những ký ức lẫn lộn. Điều này rất nguy hại, làm ảnh hưởng đến tính chính xác và tính thuyết phục của hồi ký. Mặt khác, phải trách những người chấp bút hồi ký của nghệ sĩ cũng chưa chuyên nghiệp trong công việc nhiều cám dỗ và lắm rủi ro là tái dựng một chân dung từ các mảnh ghép phủ bụi thời gian.
Một khuyết điểm dễ dàng nhận ra ở hồi ký của nghệ sĩ là sự mơ hồ các tình huống và các chi tiết. Thí dụ, nghệ sĩ bày tỏ “vai diễn của tôi đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt” chỉ có ý nghĩa đãi bôi, mà phải trích dẫn cụ thể lời khen ngợi thể hiện ở nơi nào, hoặc lời khen ngợi xuất phát từ ai.
Còn nghệ sĩ thổ lộ “thù lao của tôi đạt số tiền kỷ lục 30 triệu đồng”, phải đưa ra căn cứ giá vàng thời điểm ấy bao nhiêu hoặc 1 triệu đồng thời điểm ấy có thể mua sắm tài sản gì… Hồi ký không chấp nhận tin đồn, do đó từng thông tin phải được phản biện cụ thể và rành mạch. Nếu nghệ sĩ cứ thao thao bất tuyệt và người chấp bút cứ hồn nhiên ghi lại nguyên văn, chẳng khác gì cùng nhau tạo thêm bức màn sương khói cho gương mặt cần được nhận diện sắc nét qua hồi ký.
Nói một cách sòng phẳng, kỹ thuật của hồi ký không quan trọng bằng số phận của nghệ sĩ. Sống sao để có chuyện kể lại và kể sao cho người khác tin cậy. Mọi yếu tố thổi phồng thành tích hoặc đánh bóng nhân cách đều vô nghĩa trong hồi ký. Bởi lẽ, không có sự tô vẽ nào đủ sức đánh tráo giá trị tồn tại của nghệ sĩ theo dòng chảy nghệ thuật.
Sau những tranh cãi ồn ào xung quanh hồi ký “Yêu và sống” của Lê Vân do Bùi Mai Hạnh chấp bút, giới nghệ sĩ dường như chọn thái độ an toàn để kể lại đời mình. Đó là bước lùi cho chất lượng hồi ký của nghệ sĩ. Cũng may, dù chưa hẳn hoàn toàn do một mình ca sĩ Khánh Ly tự viết, nhưng cuốn sách “Đằng sau những nụ cười” lại đạt được những yếu tố cần thiết của hồi ký. Ca sĩ Khánh Ly dùng nước mắt để viết “Đằng sau những nụ cười”, nên những dòng bẽ bàng và những trang ngậm ngùi đã giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn người đàn bà lừng danh hát nhạc Trịnh.
Hồi ký được xếp vào dòng văn chương tự sự, vì nó là tấm gương soi rọi dĩ vãng, hấp thu cả ánh sáng lấp lánh lẫn bóng tối âm u từng khỏa lấp một mệnh kiếp trên cõi dương gian. Những người sống giả tạo, khép kín, thờ ơ, nông cạn… không thể có hồi ký đúng nghĩa. Tuy nhiên, khi đã kể chân thật về người khác phải chân thành phán xét bản thân.
Sở dĩ hồi ký “Một đời giông bão” của diễn viên Thương Tín gây “giông bão” cho những người liên quan với các cuộc tình điên đảo lẫn cuộc tình chớp nhoáng, vì nhân vật chính không nhìn thấy trách nhiệm của mình trong những “giông bão” ấy. Diễn viên Thương Tín chỉ hả hê kể về những bóng hồng đi qua đời mình, không hề có chút băn khoăn hay chút dằn vặt cho bao nhiêu tai ương từ một người đàn ông đa tình đối với những người đàn bà yếu đuối. Nói cách khác, ở những khoảng trống giữa nhớ và quên, giữa đúng và sai, hồi ký của diễn viên Thương Tín đã thiếu cái âu lo về phẩm giá và lương tri mà nghệ sĩ đích thực phải theo đuổi và tôn thờ.
Nếu như hồi ký của nghệ sĩ đã thịnh hành ở phương Tây từ lâu, thể loại này chỉ mới nhen nhóm ở nước ta. Sự thưa vắng những người chuyên viết tiểu sử nhân vật đã khiến hồi ký của nghệ sĩ đang tạm dừng mức độ giải trí. Hồi ký của nghệ sĩ nếu chỉ lớn giọng khoe khoang hoặc rao giảng đạo đức, không ai hứng thú. Nghệ sĩ là những người đặc biệt, có cái năng khiếu trời cho và có cái trả giá riêng tư để đạt được sự nghiệp. Trong hồi ký của nghệ sĩ, đôi khi sự nao núng, sự lầm lạc, sự bồng bột lại thú vị hơn sự ngọt ngào được thương lượng và sự ngăn nắp được dàn xếp.