Hồi sinh hàng ngàn cuộc đời

(ĐTTCO) - Kể từ 2 ca ghép thận đầu tiên vào ngày 28 và 29-12-1992, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 1.127 ca ghép thận với tỷ lệ thành công cao tương đương các nước trên thế giới.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang tiến hành ghép thận cho bệnh nhân

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang tiến hành ghép thận cho bệnh nhân

Món quà vô giá

Ở tuổi 65, bà Võ Thị Thượng (ngụ tỉnh Long An) vẫn sống khỏe mạnh, vui vẻ cùng con cháu. 30 năm trước, bà bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối và từng nghĩ đến cái chết, nhưng ca ghép thận vào ngày 29-12-1992 tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành công đã nối dài sự sống của bà cho đến nay. Bà Thượng nhớ lại, khi bà đã sinh được 2 con, bất ngờ được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Mỗi tuần 3 lần, chồng bà chở bà trên chiếc xe máy cũ từ Long An lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận. “Chạy thận khổ sở lắm, đau ói trên giường bệnh, da dẻ xám xịt, ăn không nổi. Con đường sống mờ mịt như án tử treo trên đầu”, bà Võ Thị Thượng chia sẻ. Bà cho biết, một ngày cuối năm 1992, bà bất ngờ nhận tin được chọn ghép thận; người tặng thận là cha ruột bà, hiện ông cụ sống khỏe mạnh cùng vợ chồng con gái tại Long An.

Cũng là người được thực hiện ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy, NSND Minh Vương cho biết, “món quà vô giá” mà chàng trai 34 tuổi chết não hiến tặng đã giữ lại cuộc đời ông. NSND Minh Vương kể, năm 2012, ông mắc bệnh suy thận khiến chân bị sưng, việc tiểu tiện trở nên khó khăn. Ngày đó, việc phải chạy thận khiến sức khỏe ông giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật. Thế rồi ông đã đăng ký vào danh sách chờ ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, và may mắn đã đến. “Nhiều năm trôi qua, sức khỏe tôi vẫn khá tốt, có thể cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật cải lương. Tôi xin biết ơn tất cả”, NSND Minh Vương xúc động nói. “Còn sức, còn sống, tôi vẫn còn cất cao tiếng hát của mình để trả nợ ân tình với cuộc đời này”, ông bày tỏ.

Bảo vệ thành tựu ghép tạng

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, 30 năm qua là hành trình nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn, băn khoăn trong quá trình phát triển lĩnh vực ghép tạng Việt Nam. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã được thông qua nhưng hiện nay, vấn nạn buôn bán mô, bộ phận cơ thể người có nguy cơ làm ảnh hưởng xấu đến thành tựu ghép tạng của Việt Nam. “Khi phát triển kỹ thuật, chưa bác sĩ nào nghĩ đến sẽ xảy ra hiện tượng mua bán tạng. Nhưng chúng ta phải đối mặt và làm sao hạn chế hoặc triệt tiêu để bảo vệ thành tựu ghép tạng”,

GS Trần Ngọc Sinh chia sẻ. Ông cho biết, mỗi năm cả nước ghi nhận số người chết não, ngưng tim khá cao, nhưng số lượng người đồng ý hiến mô, tạng trước khi qua đời không cao. Do đó rất cần vận động, thông tin đến người dân, giáo dục tư tưởng nhân đạo cho giới trẻ về việc hiến tạng sau khi chết não.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin, sau 30 năm, bệnh viện đã thực hiện 1.127 ca ghép thận với tỷ lệ thành công cao tương đương với các nước trên thế giới. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến. Đó là ghép thận từ người cho chết não (từ năm 2008), ghép thận từ người cho tim ngừng đập (từ năm 2015), ghép thận đổi chéo người cho (năm 2017), ghép thận không tương hợp nhóm máu ABO (từ năm 2021)... Để nâng cao chất lượng điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới, như phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu (trước chạy thận nhân tạo), ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao... Bệnh viện xây dựng các quy trình trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân sau ghép; đồng thời hợp tác với các trung tâm ghép trên thế giới (Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Tây Ban Nha...) để đưa y, bác sĩ đi học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Bệnh viện Chợ Rẫy còn hỗ trợ hơn 10 trung tâm trong nước phát triển về ghép thận. “Ghép thận là một trong các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiệu quả, đem lại chất lượng sống cao, thời gian sống kéo dài và chi phí thấp hơn so với các phương pháp điều trị thay thế thận khác. Người bệnh có thể trở lại cuộc sống đời thường và tiếp tục cống hiến cho gia đình, xã hội. Ghép thận được đánh giá là một trong mười thành tựu vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ 20”, TS-BS Nguyễn Tri Thức khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, số người đăng ký hiến tạng, mô và bộ phận cơ thể khi chết não, tim ngừng đập gia tăng trong thời gian qua. Nếu như năm 2014 chỉ có 265 người đăng lý hiến tạng, thì đến năm 2022 có đến 62.555 người đăng ký. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy có số người đăng ký hiến tạng cao nhất, chiếm khoảng 50%. “Việc hiến tạng là món quà vô giá, ở đây không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là nối dài sự sống cho những người tưởng chừng như hết hy vọng cuộc đời”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Các tin khác