Hội thảo 'Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL'

(ĐTTCO) - Hôm nay 15-5, tại TP Cần Thơ, Báo SGGP phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL”.

Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có các đại biểu: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyến Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ; Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Đại tá Trần Văn Ngạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9; Nguyễn Văn Sánh, Nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL; Phó GS.TS Phan Thanh Bình, Nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14; PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ; cùng đại biểu là những chuyên gia, lãnh đạo sở ngành, quận huyện, các doanh nghiệp, các trường ĐH tham dự.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ (thứ 2 từ phải qua) và ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP trao đổi với các đại biểu đến dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ trì hội thảo gồm: ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Phó GS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV; ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP; PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TPHCM.

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu:

Hoan nghênh Báo SGGP đã có sáng kiến tổ chức hội thảo này

Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu rất hoan nghênh báo SGGP đã có sáng kiến tổ chức hội thảo này. Theo đồng chí, TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL có nhiều chương trình ký kết hợp tác, để tương hỗ phát triển bền vững. Vùng ĐBSCL cung cấp nguyên vật liệu, còn TPHCM là chế biến, xuất nhập khẩu rất lớn. Sự thay đổi của ĐBSCL sẽ tác động trực tiếp đến TPHCM. Do đó, hội thảo càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu rất hoan nghênh Báo SGGP đã có sáng kiến tổ chức hội thảo lần này. Bí thư đánh giá, Báo SGGP - cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam TPHCM - một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến tổ chức các chương trình sau mặt báo, đặc biệt là các chương trình có tác động xã hội lớn, kiến nghị các cơ chế chính sách.

Theo quy hoạch vừa được duyệt, TP Cần Thơ ngoài phát triển nông nghiệp còn tập trung công nghiệp chế biến chế tạo, tăng thương mại dịch vụ. Cùng với sự phát triển của hạ tầng đặc biệt là giao thông, không gian phát triển của ĐBSCL sẽ có nhiều đổi khác, khoảng cách giữa các địa phương được kéo gần.

Thấy rõ vai trò quan trọng của ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 vào năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng. Những thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt không chỉ ảnh hưởng tới vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thực tế trên đặt ra yêu cầu, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. “TP Cần Thơ là đô thị trung tâm của vùng, thời gian qua, chúng tôi luôn trăn trở trước những thiệt hại, hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra với địa phương và cả vùng. Việc UBND TP Cần Thơ phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và Viện nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ ĐBSCL" thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay và quyết tâm tìm giải pháp ứng phó hiệu quả của TP Cần Thơ”, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ nói và bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm từ hội thảo lần này.

Ngoài các góp ý chính sách phát triển ĐBSCL, Bí thư Nguyễn Văn Hiếu mong muốn các chuyên gia, đại biểu góp ý thêm hàm ý phát triển bền vững, toàn diện đối với vùng trong thời gian tới. Đây là những nội dung rất quan trọng, phù hợp với định hướng lớn của trung ương về sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, ĐBSCL được biết đến là “vựa lương thực” của cả nước, là “giỏ thực phẩm” của toàn cầu, bởi nơi đây có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu. Những năm qua, đồng bằng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với hơn 94% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây cả nước.

Đại diện Ban Biên tập Báo SGGP tặng hoa cho các đơn vị đồng hành

Là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng ĐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Kông… khiến cho Miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng. Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.

Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo nhà báo Tăng Hữu Phong,những con số trên cho thấy, hậu quả và hệ luỵ của biến đổi khí hậu là rất nặng nề, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn.

Với TPHCM, ĐBSCL là nơi cung ứng lương thực thực phẩm lớn nhất, do đó bất cứ điều gì xảy ra với vùng đất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM. Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với ĐBSCL sẽ còn tăng lên khủng khiếp trong tương lai, nếu ngay lúc này chúng ta không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết.

“Thời gian qua, chứng kiến các địa phương vùng ĐBSCL gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn… gây ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn đau đáu, xót xa”, nhà báo Tăng Hữu Phong chia sẻ và cho biết, từ những trăn trở này, Báo Sài Gòn Giải Phóng - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM - phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ ĐBSCL”.

Hội thảo nhằm góp phần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu, Báo SGGP sẽ chủ động và phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí chuyển tải thành thông tin, tuyên truyền rộng rãi. Đồng thời, Ban tổ chức cũng sẽ tổng hợp đầy đủ và chuyển đến các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan, có trách nhiệm

- Tổng Biên tập Báo SGGP

Tổng Biên tập Báo SGGP gửi lời cảm ơn trân trọng đến UBND TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TPHCM) đã phối hợp và đồng chủ trì hội thảo; lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, lãnh đạo các viện, trường, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học đã dành thời gian đến tham gia ý kiến, bàn thảo, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm… tại hội thảo.

Tại hội thảo, PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, trình bày tham luận về các tác động hạn hán, xâm nhập mặn đến canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và cấp nước sinh hoạt tại khu vực ven biển ĐBSCL.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Theo ông Lê Anh Tuấn, hiện trạng hạn và mặn vùng ven biển ĐBSCL: Khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hằng năm vùng ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng, có năm trở nên cực đoan và gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh kế cộng đồng.

Hiện nay, vùng ĐBSCL tạm phân chia thành 3 vùng sinh thái nước: do tác động hạn mặn vùng sinh thái nước ngọt phía trên: ngập sâu trong mùa mưa lũ. Phần lớn đủ nước ngọt quanh năm cho việc canh tác lúa, nuôi cá và trái cây; Vùng chuyển tiếp ở giữa: ngập nông trong mùa mưa lũ, có một phần nước lợ vào mùa khô, tác động ngọt - mặn theo thủy triều, canh tác lúa, nuôi tôm và trái cây; Vùng ven biển cuối nguồn: nhiễm mặn quanh năm, thiếu nước ngọt gay gắt mùa khô, rừng ngập mặn ven biển, canh tác thủy sản nước mặn.

Mùa khô 2024 (ngày 30-4), nhiệt độ không khí đã gia tăng đáng kể, cao hơn các kỷ lục đã ghi nhận nhiều hệ lụy: nhiễm mặn sâu, sốc nhiệt, tai nạn và nhiều tiêu cực khác.

Nước mùa mưa lũ về ĐBSCL giảm rõ, tình trạng giảm nguồn nước, không còn lũ lớn cả về mùa mưa (thiếu nước trong cả mùa mua lũ) và mùa khô cộng thêm yếu tố nước biển dâng và sụt lún đồng bằng khiến xu hướng gia tăng xâm nhập mặn xâm nhập sâu hơn trong mùa khô đặc biệt những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El-Nino.

Theo đó, các tác động lớn nhất do hạn và mặn xâm nhập: thiếu hụt mưa, bốc hơi mạnh, nhiệt độ cao, bức xạ lớn, thiếu nước tưới, canh tác kém, giảm năng suất, đất bạc màu, sông hồ cạn, nước ngầm thấp, nhiễm mặn lớn, hệ sinh thái nước bị tổn thương, thiếu nước uống, cần trợ nước khẩn, ngưng sản xuất kéo dài, kinh tế giảm sút.

Hạn hán xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh kế, hoạt động và sinh thái vùng ven biển. Thiếu hụt nguồn nước sạch, không đủ nước tưới, đất canh tác bỏ hoang, lượng nước sông Cửu Long hiện nay chỉ đủ cung cấp nước tưới cho 700 đến 800 ha đất trồng lúa. Ngoài ra, xuất hiện sạt lở, sụt lún xảy ra ở các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang…, và năm nay tình trạng cháy rừng diễn liên tiếp.

Song song với đó, nhiều địa phương xây dựng cống ngăn mặn, đê bao canh tác… vô tình khiến tình trạng mặn trở nên sâu hơn do nước tù và nước ô nhiễm. Nếu vận hành không tốt các cống vô tình khiến xâm nhập mặn nặng nề hơn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cách đối phó với hạn - mặn hiện nay: thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, quan trắc, điều chỉnh thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm…

PGS. TS. Lê Anh Tuấn giới thiệu mô hình luân canh lúa - tôm vùng ven biển: đây là mô hình giải quyến được “xung đột” với việc trồng lúa trên đất nuôi tôm như là một mô hình “thuận thiên một cách thông minh" của người nông dân ĐBSCL. Vào mùa mưa, có đủ nước ngọt người nông dân trồng lúa, vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn thì lấy vào nuôi tôm. Rơm rạ phân hủy từ cây lúa là thức ăn của tôm và chất thải hữu cơ của tôm là phân bón cho cây lúa.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn đề xuất chiến lược lâu dài cho vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL: giảm diện tích lúa chuyển sang thuỷ sản rau màu và cây ăn trái, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng.

ĐBSCL là vùng sản xuất - xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại… Với những đặc điểm và lợi thế nêu trên, ĐBSCL được xem là “vựa nông sản” của cả nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất - sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, sản lượng lương thực của vùng đang có chiều hướng suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Trong tương lai, vùng đất này có nguy cơ chìm dưới mực nước biển…

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trò chuyện với đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trình bày về định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp và dân sinh vùng ĐBSCL, PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam cho biết, ĐBSCL đã, đang và vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên đặc thù cho nông nghiệp; có lợi thế cạnh tranh cao so với các vùng khác trên thế giới.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm việc phát triển thượng lưu Mê Công làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; tình trạng biến đổi khí hậu – nước biển dâng; và tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp Đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng.

Theo PGS-TS Trần Bá Hoằng, dưới các tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, Đồng bằng đang dần được định hình lại (so với lịch sử), với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn rất nhiều so với tự nhiên trước đây.

Từ đó, ông khuyến nghị việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội.

Cụ thể về giải pháp, PGS-TS Trần Bá Hoằng nêu bên cạnh các giải pháp phi công trình (công tác điều hành), thì giải pháp phi công trình rất quan trọng. Đó là các công trình để trữ nước, như trữ trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5-3 tỷ m3 (VD: hồ Ba Lai trữ được 80 triệu m3). Trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây; đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình.

Trữ nước trên ruộng (đối với lúa), trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn, bơm nước lên ruộng ở mức tối đa khả năng cho phép của cây trồng. Trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khó khan trong mùa khô.

“ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô nước vẫn về ĐBSCL 60-70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3 khối. Vấn đề là giữ nước để sử dụng”, PGS-TS Trần Bá Hoằng nói.

Bên cạnh đó là các công trình thủy lợi nội đồng, như công trình phục vụ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”; hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.

Các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn, như xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, đây là các công trình lớn, bao ngoài với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Đồng thời nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu…). Nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm việc xem xét nâng cao và mở rộng mặt đê cho phù hợp với gia tăng đỉnh triều.

Ngoài các giải pháp trên, Bộ NNPTNT cũng cho rằng cần nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân vùng ĐBSCL. Trong đó, ở vùng ngọt và vùng ngọt có ảnh hưởng mặn thì sử dụng nguồn nước từ sông chính, các kênh trong hệ thống thủy lợi (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông cho những khu vực gần sông chính tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang).

Với các vùng mặn ngọt luân phiên và vùng lợ mặn thì sử dụng kết hợp các nguồn: Dẫn nước từ vùng ngọt về, sử dụng nước ngầm (hạn chế), xây dựng hồ trữ nước ngọt. Cùng với đó là xây dựng các hồ chứa phân tán.

Theo Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia. Giữa TPHCM và các địa phương vùng ĐBSCL luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Thời gian qua, chứng kiến các địa phương vùng ĐBSCL gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn… gây ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn đau đáu, xót xa.

Từ những trăn trở này, Báo SGGP phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ ĐBSCL”. Mục đích của hội thảo nhằm góp phần đánh giá đúng thực trạng và tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Các tin khác