Hội thảo có sự tham gia của các nhà kinh tế, các chuyên gia hoạch định sách như TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia), GS.TS Sử Đình Thành, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, GS.TS Trần Thọ Đạt, Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Trần Du Lịch, PGS.TS Trần Đình Thiên, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, TS. Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Anh… Ngoài ra hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo một số cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, các nhà khoa học đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu….
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xung đột tại Ukraine trước mắt làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và lạm phát cao. Tuy nhiên đó chỉ là hiệu ứng vòng 1. Cho đến giờ, không ai có thể dự báo chính xác diễn biến tương lai xung đột tại Ukraine như thế nào. Giả dụ hòa bình có thể đến vào ngày mai, vẫn tiếp tục xuất hiện các hiệu ứng vòng 2, vòng 3, dẫn đến định hình lại trật tự mới kinh tế và chính trị toàn cầu.
Các hiệu ứng nhiều tầng này là do những chuyển dịch trong thương mại năng lượng, các chuỗi cung ứng được cấu hình lại, mạng lưới thanh toán tiền tệ toàn cầu bị phân mảnh, vai trò của các đồng tiền mật mã khu vực tư hay do các ngân hàng trung ướng phát hành ngày càng được tăng cường, và việc các quốc gia cân nhắc nắm giữ tiền tệ dự trữ ngoại hối…
Nhìn rộng hơn, thương mại toàn cầu được đặt trong một bối cảnh mới bất chấp các quy tắc vốn có của nó như: kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, theo đuổi khả năng tự cung tự cấp trong một số ngành công nghệ quan trọng và áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên đối thủ…
Với hơn 80 bài tham luận được gửi về hội thảo với nhiều chủ đề khác nhau và những gợi ý các chính sách kinh tế tài chính tiền tệ cho Việt Nam cũng như các giải pháp đề xuất cho doanh nghiệp trong một môi trường mới.
Hội thảo được diễn ra trong 2 phần: Phần tổng thể với hai chủ đề được trình bày: “Ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh mới” của TS. Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) và “Rủi ro tài chính – tiền tệ trong bối cảnh mới và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam” của TS. Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia).
(1). Hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược cho Việt Nam: Thảo luận các chính sách tài chính tiền tệ cho Việt Nam trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, sự thay đổi dòng thương mại quốc tế, phát triển thị trường tài chính… nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế;
(2). Chính sách tài chính, tiền tệ và tăng trưởng kinh tế: Trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu về bất ổn chính sách, giá dầu và lạm phát toàn cầu, tác động của tín dụng tư nhân đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người, tác động của chính sách tiền tệ đến rủi ro hệ thống của các tổ chức tài chính…;
(3). Kinh tế số và FinTech: Thảo luận các vấn đề về rủi ro, khung pháp lý và xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế và ngành tài chính; và (4). Tài chính, Kinh doanh và Quản trị công ty: Thảo luận các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng và quản trị doanh nghiệp trong môi trường thế giới bất định.
Các bài viết với chủ đề về Thị trường tài sản tài chính trong môi trường bất định được trình bày trong Phần thứ 4. Và các tham luận về Tài chính, kinh doanh và quản trị công ty được trình bày trong Phần thứ 5.
Với hàm lượng nội dung đa dạng và chất lượng, Ban tổ chức kỳ vọng Kỷ yếu hội thảo sẽ là một tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý doanh nghiệp, và những ai quan tâm đến những thay đổi lớn đã và đang xảy ra trong hệ thống tài chính hiện nay.