Ngày 22/5, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Đánh giá hiệu quả thực hiện đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 với sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành, Phòng Giáo dục các quận, huyện, và đại diện các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Hà Nội.
Trong các đề án đã và đang triển khai trên cả nước, sữa học đường Hà Nội là đề án lớn nhất về quy mô và giá trị. Với số điểm trường lớn trên một địa bàn rộng và số trẻ thụ hưởng lên đến trên 1 triệu trẻ, chương trình vẫn đang được triển khai một cách bài bản, hiệu quả và ghi nhận những kết quả rất tích cực.
Cụ thể, trong ngày đầu tiên triển khai 2/1/2019, đã có 64% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa. Con số này tiếp tục gia tăng chỉ sau một tuần thực hiện, với 100% các trường mầm non, tiểu học công lập và 61,8% các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia, với tỷ lệ uống sữa đạt 73%.
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có đến 1.059.854 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đến từ gần 4.000 trường trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia thụ hưởng sữa học đường, đạt tỷ lệ 91,16%.
Cũng theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khối mầm non và tiểu học công lập đạt tỷ lệ 100% trường và 93% trẻ đăng ký uống sữa; với khối ngoài công lập (bao gồm trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, hiệp quản, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập), tỷ lệ trường tham gia là 86,74%, tỷ lệ học sinh đăng ký uống sữa là 80,73%.
Những kết quả tích cực này có được nhờ một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao từ Ban Chỉ đạo Chương trình Sữa học đường Thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình các quận, huyện, cũng như sự chủ động, chuyên nghiệp, có tiềm lực mạnh của đơn vị cung cấp sữa là Công ty Vinamilk. Đặc biệt là không thể thiếu sự tin tưởng từ các tổ chức đoàn thể, sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh đối với việc chăm sóc dinh dưỡng để nâng cao thể lực, trí tuệ cho con em.
Các báo cáo đánh giá cũng cho thấy công tác tập huấn cho giáo viên và đại diện hội phụ huynh rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện đề án sữa học đường hiệu quả. Trước khi triển khai cho các em học sinh uống sữa, đã có 30 lớp tập huấn được tổ chức cho gần 10.000 đại biểu về toàn bộ quy trình triển khai Chương trình Sữa học đường an toàn, hiệu quả.
Không chỉ dừng ở việc tập huấn ban đầu, trong quá trình triển khai, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị để đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm kịp thời giải đáp và tháo gỡ khó khăn cho các quận, huyện; đồng thời tuyên dương các đơn vị trường tích cực thực hiện tốt công tác triển khai chương trình.
Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường tại các quận, huyện. Ngoài ra, Công ty Vinamilk cũng đã tiến hành khảo sát điều kiện bảo quản sữa tại các nhà trường, cung cấp đủ giá kệ và tổ chức giao nhận sữa theo số lượng và tần suất phù hợp với từng cơ sở giáo dục, cài đặt đường dây nóng 24/24h để hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của các trường.
Để chương trình sữa học đường được triển khai thành công trên địa bàn Hà Nội, sự nỗ lực và đóng góp của lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giáo viên cơ sở là rất lớn. Là cầu nối với phụ huynh học sinh, đội ngũ giáo viên đã góp phần rất lớn giúp các bậc cha mẹ càng thêm tin tưởng và yên tâm khi con em được thụ hưởng sữa học đường, để ngày càng nhiều học sinh được uống sữa khi đến lớp.
Chương trình nhận được sự ủng hộ và tỷ lệ đăng ký tham gia cao không chỉ vì những lợi ích thiết thực của việc uống sữa đều đặn tại trường đối với trẻ em lứa tuổi học đường, mà còn là vì những giá trị vô hình mà sữa học đường đang mang đến cho thế hệ mầm non của đất nước.
Thông qua chương trình sữa học đường, trẻ em được giáo dục về vai trò quan trọng của chế độ dinh dưỡng, hình thành thói quen tốt như uống sữa mỗi ngày, đúng giờ để hỗ trợ tăng cường thể chất, trí tuệ đồng thời, các em cũng được nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường thông qua việc gấp vỏ hộp gọn gàng sau khi uống sữa để dễ thu gom, tự giác bỏ vào thùng rác đúng quy định...
Với những giá trị nhân văn đó, chương trình sữa học đường thực sự đã trở thành một phần không thể tách rời của hoạt động giáo dục của thủ đô Hà Nội, được nhà trường đồng tình, phụ huynh hoan nghênh.
Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội phát biểu: “Cho đến thời điểm này, có thể nói, chương trình sữa học đường đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cha mẹ học sinh, để các cháu mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tại trường. Các em học sinh đều rất hào hứng khi được uống sữa và xem như đó là một hoạt động quen thuộc khi đến trường. Với chương trình có những tác dụng tích cực như vậy, chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành liên quan để có kiến nghị về việc triển khai trong giai đoạn tiếp theo.”
Có thể thấy, đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện Đề án Chương trình sữa học đường theo đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.”
Không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ em Việt Nam mà chương trình sữa học đường còn giúp giảm bớt các gánh nặng về tài chính đối với gia đình và xã hội, đem lại cho các em sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giúp các em được hưởng đầy đủ, trọn vẹn các quyền lợi được nêu trong Công ước Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam và Quốc tế.