
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm dự kiến 4,2 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với hành khách và bảo hiểm tai nạn thuyền viên được Bảo Long chi trả với số tiền bồi thường dự kiến 1,2 tỷ đồng.
Bảo hiểm tai nạn hành khách (Bảo Việt đồng bảo hiểm với PTI, MIC, BSH) dự kiến 2 tỷ đồng và Bảo hiểm tín dụng (AAA) dự kiến là 1 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, tổng số trả tiền bảo hiểm dự kiến 10,07 tỷ đồng. Cụ thể Bảo Việt (2 tỷ đồng), Generali (4,2 tỷ đồng), Manulife (3,02 tỷ đồng), Dai-ichi (0,7 tỷ đồng), Prudential (0,1 tỷ đồng), AIA (0,05 tỷ đồng).
Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động liên hệ với gia đình các nạn nhân để thực hiện quy trình bồi thường và chi trả theo hợp đồng. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình chưa thể hoàn thiện thủ tục nhận quyền lợi bảo hiểm vì nhiều người còn đang điều trị thương tật hoặc lo mai táng.
Trước đó, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 114 về việc "các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả công tác... khắc phục hậu quả vụ tai nạn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn".
Sau đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có Công văn số 896 đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Đồng thời, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.