Lợi thế thị trường
HT1 tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên, được đưa vào hoạt động năm 1964, với công suất thiết kế ban đầu 280.000 tấn xi măng/năm. Hiện tại, năng lực sản xuất của HT1 đạt mức 7,5 triệu tấn/năm và là đơn vị sản xuất lớn nhất trực thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Tuy nhiên, 98-99% sản lượng tiêu thụ của HT1 đến từ thị trường nội địa và tập trung tại khu vực miền Nam, với các thị trường chính bao gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Thị trường miền Nam là trọng điểm tiêu thụ xi măng lớn thứ 2 cả nước, với nhu cầu bình quân hàng năm đạt 21-23 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do đặc thù các nhà máy xi măng phải đặt gần vị trí các mỏ nguyên liệu, khiến khu vực phía Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi sở hữu trữ lượng đá vôi, đất sét thấp nhất cả nước, hàng năm phải tiếp nhận trên 10 triệu tấn xi măng chuyển từ miền Bắc để đáp ứng nhu cầu.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tính đến hết năm 2022, nhu cầu xi măng toàn miền Nam 22,6 triệu tấn, trong khi công suất thiết kế chỉ đạt 8,2 triệu tấn xi măng/năm. Vì vậy, so với khu vực phía Bắc, doanh nghiệp (DN) miền Nam có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ, có giá bán cao hơn (do chênh lệch chi phí đầu vào) so với trung bình ngành, và chủ yếu cạnh tranh bằng khả năng mở rộng quy mô cùng quản lý chi phí sản xuất.
Đối mặt tình trạng bất ổn
Dù không chịu sự cạnh tranh như các DN phía Bắc, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của HT1 lại thường xuyên trong tình trạng bất ổn. Cụ thể, HT1 bị mất cân đối tài chính ngắn hạn nhiều năm khi giá trị nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn hạn. Kết thúc năm 2022, nợ ngắn hạn của HT1 lên tới 4.255 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ đạt 2.373 tỷ đồng.
Điều này gây căng thẳng lên dòng tiền khi HT1 thường xuyên phải đảo nợ ngắn hạn. Trong đó, chiếm phần lớn với tỷ trọng đạt 30-33% là khoản phải trả các bên liên quan và các bên khác. Dù HT1 cho thấy khả năng chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp lâu dài khi giá trị các khoản phải trả tăng lên đáng kể, nhưng phần lớn tỷ trọng (luôn chiếm hơn 69% trong giai đoạn 2018-2022) của các khoản này lại đến từ các đơn vị không cùng trực thuộc Vicem.
Do vậy, các khoản này luôn gây áp lực tiêu cực lên dòng tiền của HT1 khi có sự thay đổi bất chợt về chính sách công nợ.
Theo phân tích của CTCK FPT (FPTS), giá trị hàng tồn kho năm 2022 của HT1 bất ngờ tăng cao lên mức 1.188 tỷ đồng (tăng 44,8%), với 2 cấu phần trọng yếu, bao gồm: nguyên vật liệu 573 tỷ đồng (tăng 48,8%) và thành phẩm 492 tỷ đồng (tăng 59,8%). Nguyên nhân chủ yếu do DN tăng lượng than tồn kho nhằm đảm bảo sản xuất trong bối cảnh giá than tăng cao.
Trong khi đó, theo chính sách kế toán hiện hành, giá trị của thành phẩm sẽ được xác định dựa trên giá vốn nguyên vật liệu và lao động trực tiếp cộng chi phí sản xuất chung. Điều này đã đẩy giá trị nguyên vật liệu và thành phẩm tồn kho của HT1 lên cao, khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong năm 2022.
Đáng lưu ý, các khoản phải trả năm 2022 của HT1 đã tăng lên đáng kể 1.434 tỷ đồng (tăng 18,7%). Mức tăng này chủ yếu tới từ khoản phải trả các bên liên quan (từ 292 tỷ đồng lên 448 tỷ đồng), khi HT1 đã tăng mua sắm than và dịch vụ vận chuyển từ Vicem. Tuy nhiên, nhờ chính sách giãn công nợ từ các nhà cung cấp nội bộ, số ngày phải trả của HT1 luôn giữ ở mức cao trong giai đoạn 2018-2022 quanh mức 53-63 ngày.
Vì vậy, HT1 có thêm số ngày luân chuyển tiền mặt âm, giúp DN bớt áp lực vay ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động.
Năm 2024 sẽ có lãi?
Theo báo cáo tài chính quý III, HT1 ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 30,2% so với cùng kỳ (đạt 1.576 tỷ đồng); lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm hơn 25% (đạt 142 tỷ đồng).
Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng 42,5% so với cùng kỳ (đạt 44,6 tỷ đồng). Trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh 81,8% (đạt 32,2 tỷ đồng), chi phí quản lý DN tăng 2,7% (đạt 63,2 tỷ đồng). Doanh thu giảm, trong khi các chi phí tăng cao khiến HT1 báo lỗ quý III hơn 10,3 tỷ đồng. Đây là quý báo lỗ thứ 2 trong năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2023, HT1 lỗ hơn 37 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, các chuyên gia phân tích của FPTS dự phóng biên lợi nhuận gộp hợp nhất năm 2023 và 2024 của HT1 có mức sụt giảm lần lượt 6,7% và 7,6%. Dự kiến HT1 ghi nhận lỗ trước thuế 27,7 tỷ đồng trong năm 2023 (giảm 108,6%), và có lãi trở lại trong năm 2024 với mức lợi nhuận trước thuế đạt 42,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, HT1 chỉ thật sự có lãi nếu đáp ứng được các kỳ vọng FPTS đưa ra. Đó là giá than dần hạ nhiệt và nhu cầu tiêu thụ phục hồi; chi phí lãi vay không tăng đột biến.
Thế nhưng, nếu các điều kiện trên diễn ra như kỳ vọng, HT1 cũng khó có khả năng ghi nhận lợi nhuận dương, bởi còn đối mặt nhiều rủi ro. Đơn cử, rủi ro bị tăng xử phạt do khai thác quá mức sản lượng đá vôi và đất sét. Hiện HT1 khai thác mỗi năm khoảng 7 triệu tấn đá vôi và 650.000 tấn đất sét (vượt 30-40% sản lượng cho phép). HT1 lại đang khai thác mỏ sét Kiên Lương khi giấy phép đã hết hạn từ 2003, khiến DN thường xuyên bị xử phạt hành chính (khoảng 300 triệu đồng/năm, tương đương 0,03-0,04% doanh thu).
Nếu tiếp tục khai thác quá mức, HT1 có thể bị xử phạt nặng hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu và lợi nhuận.
Rủi ro nữa là HT1 hàng năm phải trả một phần chi phí để bổ sung phụ tùng và bảo dưỡng (45-65 tỷ đồng/năm, tương đương 0,5-0,7% doanh thu) do một số lò nung và trạm nghiền đã vượt hoặc gần đạt tuổi thọ sản xuất tối đa, có nguy cơ hỏng hóc cao. Việc dây chuyền gặp lỗi có thể khiến HT1 phải tạm ngừng sản xuất đến 2 tháng để sửa chữa, ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Cơ cấu cổ đông của HT1 khá “cô đặc”, khi Vicem nắm giữ 79,7% và là cổ đông lớn trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của DN. Đây là nguyên nhân khiến HT1 khó hút được dòng tiền, ngay cả khi kinh doanh có lãi.