PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện Hùng Vương vẫn là điểm sáng trong ngành thủy sản, ông có thể chia sẻ sự thành công?
Ông DƯƠNG NGỌC MINH: - Năm 2012, ngành thủy sản đã chịu áp lực không nhỏ do khó khăn bên trong lẫn bên ngoài. Những khó khăn này cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của công ty. Nhưng do đã xây dựng được mô hình chuỗi giá trị khép kín từ thức ăn, nguyên liệu với vùng nuôi, nhà máy chế biến thức ăn hiện đại được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, nên công ty đã chủ động được nguồn nguyên liệu.
Hơn nữa, sản phẩm của công ty cũng đã đạt được các chứng nhận như ASC, Global Gap, Viet Gap, thâm nhập được một số siêu thị ở Thụy Sĩ, Đức và hệ thống siêu thị trên 2.000 cửa hàng tại Tây Ban Nha. Nhờ những tiêu chuẩn đó, nên dù giá nguyên liệu đầu vào trên đà giảm nhưng giá bán sản phẩm của Hùng Vương tại thị trường EU vẫn cao hơn so với mức giá các nhà nhập khẩu thu mua từ các DN khác.
Năm 2012 Hùng Vương đã đạt doanh thu 7.688 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 260,4 tỷ đồng. Với nền tảng đó, năm nay Hùng Vương đề ra kế hoạch sản lượng sản xuất 100.000 tấn, doanh thu 12.000 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD. |
- Kế hoạch đó liệu có quá tham vọng khi dự báo năm 2013 xuất khẩu thủy sản vẫn còn đối mặt không ít thách thức? - Tôi không chỉ tự tin cho rằng sẽ đạt được mục tiêu đề ra, mà còn có thể vượt kế hoạch vì nhu cầu đối với các mặt hàng cá tra và tôm có xu hướng tăng trở lại sau khi lượng dự trữ của các nhà nhập khẩu cạn.
Trong năm nay, Hùng Vương sẽ tập trung xuất khẩu cá tra và chế biến thực phẩm. Với sản phẩm này, công ty có lợi thế lớn do đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu, trong đó thị trường châu Âu chiếm 40% sản lượng, Hoa Kỳ 30% và châu Á 30%.
Sự đa dạng này giúp Hùng Vương không bị phụ thuộc vào một thị trường nào mà còn giữ thế chủ động trong đàm phán để bán được mức giá cao hơn.
Do công ty đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu lớn, cộng với những ước lượng từ thực tế, tôi cho rằng sản lượng xuất khẩu năm nay có thể lên đến 125.000 tấn thành phẩm. Tại thị trường Hoa Kỳ, Hùng Vương sẽ xuất khẩu thông qua công ty con là CTCP Xuất-Nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) để gia tăng lợi nhuận, vì hiện mức thuế suất Hoa Kỳ áp dụng với Agifish khá thấp, chỉ 2 cent/kg.
Sắp tới, Hùng Vương cũng sẽ tiến hành sáp nhập CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng để mở rộng hệ thống nuôi trồng của công ty lên gấp đôi so với hiện nay. Tôi đang kỳ vọng vào sự liên kết giữa Việt Thắng và Hùng Vương Tây Nam, Hùng Vương Vĩnh Long sẽ tạo ra sức mạnh mới để giành lại thị phần ngành thức ăn chăn nuôi bằng công suất hàng triệu tấn, mang về khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu/năm.
Khi đó, hoạt động của công ty sẽ hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn vì hệ thống khép kín thức ăn, con giống, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu đã được hoàn thiện.
|
Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại CTCP Hùng Vương. |
- Dường như Hùng Vương chưa quan tâm nhiều đến xuất khẩu tôm?
- Chúng tôi vẫn quan tâm đến mặt hàng này, song không đưa vào kế hoạch phát triển năm 2013. Tuy nhiên, hiện công ty đã bàn bạc với các công ty con, các công ty liên kết về việc phát triển, mở rộng vùng nuôi với công nghệ mới. Dự báo năm nay, Hùng Vương sẽ thu về khoảng 150 triệu USD từ xuất khẩu tôm và doanh thu từ tôm sẽ tăng lên trong những năm tới.
- Với ngành thủy sản nói chung, ông có kiến nghị gì để hoạt động của DN được thuận lợi hơn trong thời gian tới?
- Hiện nay, ngành thủy sản vẫn còn yếu ở khâu nguyên liệu do thiếu đầu tư khoa học kỹ thuật. Sự phát triển của ngành cũng không có sự hỗ trợ quản lý chặt chẽ nên DN mạnh ai nấy làm, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước mà không đánh giá đúng về thị trường nên xảy ra tình trạng sản xuất hàng loạt nhưng không rõ phương án tiêu thụ, dẫn đến tình trạng bị ép giá.
- Hiện nay, ngành thủy sản vẫn còn yếu ở khâu nguyên liệu do thiếu đầu tư khoa học kỹ thuật. Sự phát triển của ngành cũng không có sự hỗ trợ quản lý chặt chẽ nên DN mạnh ai nấy làm, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước mà không đánh giá đúng về thị trường nên xảy ra tình trạng sản xuất hàng loạt nhưng không rõ phương án tiêu thụ, dẫn đến tình trạng bị ép giá.Do vậy, ngành thủy sản đang rất cần một đề án phát triển hợp lý, các DN cần có phương án phát triển tốt để cân bằng cung cầu. Nếu thiếu chiến lược phát triển hợp lý, dù ngân hàng có mạnh tay đổ vốn cho vay cũng không thể cứu được nhà sản xuất.
Riêng với Hùng Vương trong năm 2013, dù vẫn còn những khó khăn kéo dài từ năm trước, nhưng thực tế DN đã dễ thở hơn một chút vì chi phí lãi vay lẫn chi phí vận tải xuất khẩu đã giảm so với năm trước. Hiện Hùng Vương đã tiếp cận được với mức lãi suất 8-8,5%/năm đối với các khoản vay bằng VNĐ và 4%/năm với USD.
Các ngân hàng cũng đã hỗ trợ công ty vay tín chấp lên đến 110 triệu USD. Về vận tải, hiện chi phí vận chuyển hàng sang châu Âu cũng đã giảm từ 3.200USD xuống còn 2.400USD.
- Xin cảm ơn ông.