Một trong các mục tiêu quan trọng trong dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến là DTQG sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào công tác bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo ông Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật DTQG - để đảm bảo tính khả thi cần tiếp tục nghiên cứu kỹ và lên các kịch bản cho việc tham gia. Ông Dũng cho biết:
Mục tiêu của DTQG là chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước.
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện Pháp lệnh DTQG, công tác bình ổn thị trường triển khai chưa được nhiều lắm. Nguyên nhân chính do việc chuẩn bị cơ chế, chính sách phục vụ việc này chưa được chuẩn bị kỹ. Những chính sách này là căn cứ pháp lý để khi thị trường có diễn biến phức tạp, các cơ quan DTQG mới có thể triển khai thực hiện được.
Bên cạnh đó, nguồn lực DTQG những năm qua còn mỏng. Tính đến nay, lượng hàng dự trữ mới chỉ chiếm khoảng 0,4% GDP nên bình ổn thị trường chỉ thực hiện trong vài trường hợp và tại một số địa bàn nhỏ.
PHÓNG VIÊN: - Trong dự luật không đề cập cụ thể các biện pháp, thời điểm can thiệp, liệu có gây khó khăn trong thực hiện?
-Ông PHẠM PHAN DŨNG: - Các vấn đề về DTQG tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ đặt ra các điều kiện khi nào DTQG sẽ tham gia bình ổn thị trường, lực lượng tham gia là bao nhiêu, thời điểm can thiệp vào lúc nào…
Những nội dung này sẽ tiếp tục được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu và cụ thể hóa trong dự luật. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng và đề xuất kịch bản của các tình huống khẩn cấp, tình huống giá cả biến động… để trình các cấp có thẩm quyền cho phép DTQG được can thiệp bình ổn thị trường.
- Thái Lan đã cho người dân, doanh nghiệp thuê kho để dự trữ gạo, khi được mùa mất giá hoặc giá cả lên họ sẽ bán. Chúng ta có nên học tập việc này?
- Về nguyên tắc, có 3 hình thức: dự trữ sản xuất, dự trữ lưu thông và dự trữ nhà nước. 2 hình thức dự trữ đầu chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.
Hàng dự trữ quốc gia tiêu chuẩn phải cao hơn, vì hàng hóa thông thường khi mua sẽ dùng ngay nhưng hàng dự trữ quốc gia thường phải cất vào kho bảo quản lâu dài để đề phòng khi có tình huống bất trắc mới xuất ra sử dụng. Việc ở Thái Lan, chỉ là phương thức dự trữ lưu thông, nước ta cũng có hình thức dự trữ tương tự.
Trường hợp sốt gạo tại TPHCM cách đây 3 năm, khi Nhà nước và nhân dân cần, các doanh nghiệp vẫn có hàng phục vụ. Vấn đề là doanh nghiệp làm việc này vì mục tiêu lợi nhuận. Vì lẽ đó, DTQG là một trong những công cụ của Nhà nước tham gia để bình ổn thị trường.
- Vậy DTQG tham gia bình ổn giá các loại hàng hóa theo phương thức nào?
- Để bình ổn thị trường, chúng ta phải sử dụng tổng hợp các giải pháp. Về ý thức, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ và không bị tác động bởi tin đồn nhảm, kích động, đầu cơ nâng giá. Mặt khác về vật chất các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải đưa hàng hóa dự trữ ra can thiệp thị trường.
Trên góc độ tài chính, chúng ta có nhiều công cụ để can thiệp thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, chính sách thuế, quỹ bình ổn giá và hàng từ nguồn DTQG… Với cách làm đồng bộ như vậy, tôi tin việc bình ổn thị trường là khả thi.
- Trong danh mục DTQG của dự luật có đề cập đến khoáng sản, các loại vàng và ngoại tệ. Liệu điều này có chồng chéo với chức năng của Bộ Tài nguyên - Môi trường, NHNN?
- Trong xây dựng dự thảo Luật DTQG lần này có đặt ra nhiều mục tiêu. Ngoài mục tiêu ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp, cấp bách, có đề xuất thêm một số mục tiêu như dự trữ những mặt hàng chiến lược để phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững.
Việc trữ vàng, nguyên liệu quý hiếm, khoáng sản thô… là hướng đến mục tiêu đó. Bên cạnh đó, đưa các mặt hàng này vào danh mục DTQG để xác định đó là nguồn lực của DTQG, còn việc phân công bộ, ngành quản lý do Chính phủ quản lý.
Thí dụ, hiện nay Chính phủ đang phân công cho NHNN trực tiếp quản lý, sử dụng vàng và ngoại tệ để can thiệp thị trường, thực hiện chính sách tiền tệ. Điều này cũng tương tự với tài nguyên, khoáng sản được quy hoạch.
Đề cập các mặt hàng này trong Luật DTQG không có nghĩa là Tổng cục Dự trữ Nhà nước “ôm”, quản lý, mà chỉ là xác định phạm vi, quy mô của DTQG gồm những mặt hàng đó.
- Xin cảm ơn ông.