Phát triển sản phẩm chủ lực
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, năm 2020, thành phố tiếp tục chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi giá trị, hiệu quả cao, đặc biệt là phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao.
Cùng với đó, thực hiện chuyển giao công nghệ tiến bộ kỹ thuật mới, nông dân được tập huấn, chuyển giao thực hành ngay tại cơ sở của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT TPHCM tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao khả năng hội nhập, phát triển thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; rà soát, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Phối hợp xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, như du lịch nhà vườn, đường hoa, làng hoa, du lịch ven sông Sài Gòn, rừng ngập mặn Cần Giờ… Lồng ghép các nội dung phát triển du lịch với chương trình phát triển nông thôn mới, phát triển ngành nghề nông thôn.
Hoàn thành nhà máy giết mổ
Toàn thành phố có gần 400 điểm giết mổ gia cầm tại hơn 150 chợ truyền thống. Trong năm 2019, Sở NN-PTNT TPHCM đã xử phạt nhiều trường hợp giết mổ trái phép.
Năm 2020, Sở NN-PTNT TPHCM phối hợp với UBND các huyện triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, đẩy mạnh cơ cấu theo hướng hiện đại, tăng cường phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn; khuyến khích tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Năm 2020, nông nghiệp TPHCM phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 600 triệu đồng/ha, diện tích gieo trồng rau an toàn 21.150ha, diện tích hoa - cây kiểng 2.510ha, đàn bò sữa 70.000 con, đàn heo 200.000 con, tổng sản lượng thủy sản 62.760 tấn, cá cảnh 220 triệu con, tỷ lệ che phủ rừng đạt 17,86%, phát triển số lượng doanh nghiệp nông nghiệp 1.700 doanh nghiệp, chứng nhận VietGAP diện tích cây rau quả 80% với 16.920ha. |
Bên cạnh đó, tình hình dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi vẫn có thể tiếp tục bùng phát. Ngoài chăn nuôi an toàn sinh học, ngành nông nghiệp cần có nhà máy giết mổ công nghiệp để không còn tình trạng giết mổ thủ công, giết mổ trái phép gia cầm tại các chợ truyền thống.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, hiện nay, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã nhập máy móc, một số cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện. Song, dự án chưa triển khai do có 387m2/30.049m2 là đất đường, mương thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong ranh dự án. Dự án vướng gần một năm qua chưa triển khai, trong khi đó một số sở ngành vẫn chưa có hướng giải quyết.
“Với máy móc nhập hàng chục tỷ đồng nhưng phải đang trả lãi ngân hàng, do vậy Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ sẵn sàng cắt 387m2 đất trong dự án, điều chỉnh diện tích nhà máy để thực hiện, nhưng còn chờ sự đồng thuận của các sở ngành liên quan”, ông Nguyễn Phước Trung cho hay.
Trong khi chờ nhà máy giết mổ công nghiệp, Sở NN-PTNT TPHCM đề nghị các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm theo quy định.
Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) và đang xin ý kiến địa phương xem xét, phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch.
Cùng với đó, đề nghị Sở KH-ĐT, Sở TN-MT sớm xem xét, giải quyết dự án cho Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ; Sở KH-ĐT khẩn trương xem xét, giải quyết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu dự án nhà máy giết mổ công nghiệp cho Công ty TNHH Thương mại sản suất thịt an toàn và dinh dưỡng để có cơ sở pháp lý thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, dự án của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ không phải là trường hợp cá biệt mà tình hình vướng chung. Hiện có nhiều doanh nghiệp triển khai dự án nhà máy giết mổ công nghiệp, nhưng trong đất dự án lại có đất nhà nước quản lý nên không thể giải quyết cho từng trường hợp, mà cũng không thể đợi giải quyết chung, bởi doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng thực hiện dự án và đang trả lãi hàng tháng.
Do đó, các sở ngành sớm có báo cáo, trình UBND TPHCM xem xét để giải quyết cho các doanh nghiệp. Song song đó, năm 2020, dự báo ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn từ biến đổi khí hậu, dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi.
Do đó, Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị nghiên cứu tìm ra sản phẩm để cung cấp giống cho thành phố và các tỉnh. Hiện dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại tại Trung Quốc. Sở NN-PTNT đã cung cấp danh sách điểm giết mổ trái phép cho Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM theo dõi, kiểm tra. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT thường xuyên lấy mẫu từ gia cầm, chim yến xét nghiệm dịch cúm.