Hưởng lợi từ GSP mới?

Việc Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sửa đổi  của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2014 đã mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho ngành da giày Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức từ quy chế mới này cũng không ít.

Việc Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sửa đổi  của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2014 đã mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho ngành da giày Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức từ quy chế mới này cũng không ít.

Thực trạng ngành

Việt Nam hiện là 1 trong 5 nước sản xuất và xuất khẩu giày dép và túi xách hàng đầu thế giới. Ngành sản xuất giày dép và túi xách, với khoảng trên 800 DN và 1 triệu nhân công, chiếm 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đã trở thành ngành xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.

Chế độ GSP của các nước nói chung và của EU nói riêng nhằm áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp hơn mức thuế Tối huệ quốc (MFN) cho các nước đang phát triển và kém phát triển, giúp các nước này tăng kim ngạch xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước năm 2009 - khi Việt Nam được hưởng GSP của EU, kim ngạch xuất khẩu giày dép vào EU tăng trưởng trung bình trên 13%/năm, chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và chiếm 13,5% tổng nhập khẩu giày dép của EU.

Việt Nam trở thành nước đứng thứ tư trên thế giới về sản xuất và đứng thứ hai về xuất khẩu giày dép vào thị trường EU. Từ đó, tại Việt Nam đã hình thành các trung tâm sản xuất-xuất khẩu giày dép lớn tại vùng đồng bằng Bắc bộ, Đông Nam bộ, thu hút sự có mặt của các tập đoàn kinh doanh giày dép lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Rebook…

Giai đoạn 2009-2012, theo tính toán của EU, nhập khẩu giày dép từ Việt Nam đã vượt ngưỡng quy định (15%) của cơ chế “trưởng thành” nên từ 1-1-2009 Việt Nam không được hưởng GSP nữa. Ngoài ra, cuối năm 2009 EU kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá (10%) đối với giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam.

Thời gian này, thị trường EU đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công cao, làm sức mua của thị trường giảm hẳn, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào EU năm 2009 giảm 22% so với năm 2008. Thị trường thay đổi từ xu hướng sử dụng sản phẩm trung, cao cấp sang tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ.

Trong các năm 2010-2012, tăng trưởng xuất khẩu giày dép toàn ngành đạt trên 25%, nhưng tại EU xuất khẩu chỉ tăng trên 10%. Tới năm 2012, thị trường EU sụt giảm mạnh đã tác động lớn đến DN trong nước. Hàng loạt DNNVV ngừng hoạt động, hàng ngàn lao động mất việc làm. Các DN nhỏ trong nước chuyển sang tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhường thị trường xuất khẩu cho các DN FDI có vốn đầu tư lớn, chi phí sản xuất thấp.

Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, mặc dù chỉ chiếm hơn 25% trong tổng số hơn 800 DN da giày tại Việt Nam, nhưng xuất khẩu của các DN FDI đã tăng nhanh, chiếm trên 75% tổng xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Rõ ràng tác động từ việc ngừng GSP của EU từ 1-1-2009 đã ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Cơ hội và thách thức

Ngày 25-10-2012, EU công bố GSP sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Đồng thời, EU cũng thông báo mặt hàng giày dép của Việt Nam được ra khỏi cơ chế “trưởng thành” và được hưởng quy chế GSP trong thời hạn 3 năm 2014-2016. Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam đánh giá việc này sẽ có tác động tích cực đối với xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU.

Với mức giảm thuế nhập khẩu 3,5% đối với các sản phẩm nhạy cảm và 0% đối với các sản phẩm không nhạy cảm, sản phẩm giày dép Việt Nam sẽ tăng đáng kể năng lực cạnh tranh, giúp mở rộng thị phần tại EU, tăng việc làm cho người dân. FDI từ EU và các nước khác vào sản xuất giày tại Việt Nam cũng sẽ tăng nhanh để tận dụng cơ hội cắt giảm thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần lưu ý đối với ngành da giày khi thực hiện quy chế GSP sửa đổi lần này: GSP giúp Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU có thể sẽ khiến các nước sản xuất giày tại EU lo ngại mất thị trường, tạo áp lực buộc EU tăng các biện pháp bảo hộ và áp đặt thêm những rào cản kỹ thuật phi thuế quan mới.

Tỷ lệ xem xét “cơ chế trưởng thành” của EU hiện là 17,5%, nhưng thực tế xuất khẩu giày dép của Việt Nam đang ở mức khá cao và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, trong khi thị phần từ các nước khác giảm xuống (như Trung Quốc không được hưởng GSP), Việt Nam sẽ lại sớm vượt qua ngưỡng “trưởng thành” sau năm 2014 và không được hưởng GSP nữa, lúc đó những ưu đãi GSP của EU sẽ không còn tác dụng đối với xuất khẩu giày của Việt Nam.

Quy tắc xuất xứ đối với GSP phức tạp sẽ hạn chế các DN trong việc tiếp cận thị trường EU. Thực tế, tỷ lệ sử dụng GSP của nhiều nước đang phát triển đạt thấp, trong đó quy tắc xuất xứ là nguyên nhân chính do sản xuất của các nước đang phát triển khó đáp ứng các quy tắc xuất xứ của EU.

Quy tắc xuất xứ GSP cũng khuyến khích việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước thuộc EU, với giá cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… làm chi phí sản xuất cao, giảm khả năng cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu thấp, trong khi tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của DN Việt Nam hiện chỉ khoảng trên 50%, sản xuất nguyên phụ liệu trong nước không cạnh tranh với nguyên liệu giá rẻ mua từ Trung Quốc.

Để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu giày dép sang EU, việc sớm hoàn tất đàm pháp hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU để thay thế GSP, với lộ trình giảm thuế nhập khẩu 0% (thấp hơn mức thuế GSP), sẽ bảo đảm sự ổn định cho xuất khẩu hàng hóa vào EU và thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ EU tại Việt Nam.

FTA cũng giúp Việt Nam sớm đạt được sự công nhận của EU về nền kinh tế thị trường. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn phải chịu sự phân biệt đối xử trong các vụ kiện chống bán phá giá và các vấn đề khác về lao động, môi trường và xã hội.

Các tin khác