Dịch vụ hành chính công là dịch vụ gắn với thẩm quyền hành chính pháp lý của Nhà nước. Đó là các hoạt động như: cấp giấy phép, giấy xác nhận, chứng thực (công chức, giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn, đăng ký ô tô, xe máy…); giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề; hoạt động thu các khoản đóng góp vào ngân sách và các quỹ của Nhà nước; hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và xử lý các vi phạm hành chính…
Xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ hành chính công đã được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII và được chính thức đưa vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII; tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 (về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn…) cũng đã yêu cầu chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã cụ thể hóa chủ trương trên.
Những tính chất đặc thù của dịch vụ hành chính công cho thấy, khi một số dịch vụ mà Nhà nước không đủ nguồn lực, thì việc cho phép khu vực ngoài Nhà nước có cơ hội cung cấp dịch vụ công sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Việc chuyển giao cũng là giải pháp mở rộng dân chủ, thu hút người dân tham gia vào quản lý, quản trị nhà nước. Đơn cử như Sở GTVT TP Hà Nội đang quản lý số lượng hồ sơ hành chính liên quan tới lĩnh vực GTVT là rất lớn (thủ tục cấp lại giấy phép lái xe, phù hiệu biển xe vận tải…).
Các thủ tục này chỉ được xử lý trực tiếp tại bộ phận một cửa chuyên trách ở 2 địa chỉ. Nếu xã hội hóa dịch vụ trên cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT đóng trên địa bàn các quận huyện, thì có thể tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội, thuận lợi cho người dân và quan trọng là giảm được số lượng cán bộ chuyên trách tại bộ phận một cửa.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù chủ trương như vậy, nhưng cũng cần phải xác định vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ hành chính công khi chuyển giao. Đặc biệt, cần lựa chọn một số dịch vụ hành chính công chuyển giao mà không ảnh hưởng tới an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Trong quá trình thực hiện, việc chọn các doanh nghiệp và tổ chức xã hội có đủ năng lực tham gia vào cung ứng một số dịch vụ hành chính công để xã hội hóa hoạt động cung ứng là rất quan trọng. Để tránh “sự việc đã rồi” hay “tiền trảm hậu tấu”, trước khi chuyển giao một số loại dịch vụ hành chính công, cần có cơ chế để xác định những doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực thực hiện; cơ chế giám sát chống độc quyền trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, để tránh được cơ chế xin - cho trong quá trình xác định đơn vị tham gia cung ứng thì cần thiết phải áp dụng phương thức đấu thầu công khai cung ứng dịch vụ hành chính công.
Trong chuyển giao một số dịch vụ hành chính công, lợi ích nhìn thấy đầu tiên là đầu việc cắt giảm nhân sự; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giảm tải công việc. Đây vừa là giải pháp để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý vừa cải thiện sức ỳ, bảo thủ, quyền và lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Về lâu dài, việc chuyển giao sẽ giúp chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công được nâng lên, sự năng động của khu vực ngoài Nhà nước sẽ được phát huy. Tuy nhiên, để đạt được mong muốn, kỳ vọng trên cần những quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong quá trình ban hành các tiêu chí, điều kiện để lựa chọn đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ hành chính công. Cùng với đó là xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các đơn vị tham gia cung ứng và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể.